Hiệp định thương mại tự do toàn châu Phi (AfCFTA) ký tháng 3/2018, có hiệu lực tháng 5/2019 hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới về số lượng nước tham gia (chỉ sau Tổ chức Thương mại Thế giới WTO). Đây là chính động lực đầy hứa hẹn giúp kinh tế châu Phi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ tới. 
Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước châu Phi có bề dầy truyền thống, được hình thành từ những thập kỷ 50, 60 của thế kỷ 20 trong giai đoạn Việt Nam và các nước châu lục cùng đấu tranh vì độc lập dân tộc và không ngừng được mở rộng và làm sâu sắc hơn trong giai đoạn hiện nay, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển tại mỗi khu vực cũng như trên thế giới.
Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh mối quan hệ chính trị tốt đẹp, nhiều nước châu Phi đã và đang trở thành những đối tác kinh tế ngày càng quan trọng của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và châu Phi đạt mức trên 6,6 tỷ USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD), tăng 250% so với mức 2,52 tỷ USD năm 2010.
Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực này gồm hàng công nghiệp (điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện, hàng dệt may, giày dép), hàng nông nghiệp (gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, hạt điều nhân), hàng thủy sản (cá tra, ba sa, tôm), hàng vật liệu xây dựng... Đây cũng chính là những mặt hàng đã có chỗ đứng và được người tiêu dùng châu Phi ưa chuộng, đặc biệt là tại một số thị trường lớn như Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Cameroon. 
Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ khu vực châu Phi các mặt hàng như: dầu thô, dầu Diesel, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày; hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc... phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu. 
Thị trường châu Phi được đánh giá là khá dễ tính đối với hàng hóa của Việt Nam. Hiện có 45/55 nước châu Phi đã tham gia vào WTO, do đó, các nước này đã dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường. 
Hội thảo quốc tế “Hợp tác Việt Nam – châu Phi: Chia sẻ kinh nghiệm quản lỷ rủi ro trong hợp tác kinh tế với châu Phi”, do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 6/12, ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao cho biết, tiềm năng hợp tác, nhất là kinh tế giữa Việt Nam và các nước châu Phi còn rất lớn. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Phi chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 1,5% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam và thế giới. châu Phi là khu vực duy nhất Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do/ưu đãi. Hợp tác với châu Phi mới tập trung vào một số nước và trong những lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, Việt Nam và châu Phi đang nắm trong tay những thuận lợi hết sức quan trọng. 
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công nhất định trong triển khai các dự án ở châu Phi với tổng vốn cam kết trên 3 tỷ USD trong các lĩnh vực như viễn thông, dầu khí, thủy điện, xây dựng nhà máy xi măng... ở một số nước như Cameroon, Burundi, Tanzania, Mozambique, Algeria... Các nước châu Phi cũng đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD vào Việt Nam. Nông nghiệp là một trong những điểm sáng của hợp tác Việt Nam – châu Phi. Việt Nam đã triển khai thành công một số dự án hợp ba, bốn bên với các nước châu Phi như dự án hợp tác song phương hoặc ba, bốn bên tại châu Phi Senegal, Congo, Benin, Mozambique, Namibia, Chad... và từng được coi như hình mẫu trong hợp tác Nam – Nam. 
Bên cạnh những thuận lợi căn bản, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối diện nhiều thách thức khi tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Ngoài những yếu tố chủ quan như mức độ quan tâm về địa bàn chưa cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế…, còn tồn tại những thách thức, rủi ro khác quan liên quan đến bất ổn an ninh-xã hội tại một số nước, khoảng cách địa lý, những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán kinh doanh, rủi ro thanh toán, môi trường pháp lý hay thiếu cơ chế phối hợp, hợp tác trong giải quyết tranh chấp thương mại, sự cạnh tranh gay gắt của các nước khác... Đây là những trở ngại quan trọng cần phải vượt qua, những rủi ro cần phải xử lý của các doanh nghiệp trong quá trình hợp tác giao thương giữa Việt Nam với khu vực châu Phi. 
Nguồn: Thu Hằng /Congthuong.vn