Giá vàng trong nước giảm
Giá vàng chiều nay tăng 50.000 – 150.000 đồng/lượng so với buổi sáng, tuy nhiên vẫn giảm mạnh so với cuối giờ chiều hôm qua.
Vào thời điểm lúc 14h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 55,70 triệu đồng/lượng - bán ra 56,22 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 55,70 triệu đồng/lượng (giảm 250.000 đồng/lượng) - bán ra 56,20 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 55,60 triệu đồng/lượng (giảm 380.000 đồng/lượng) - bán ra 56,05 triệu đồng/lượng (giảm 230.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới 1.874 – 1.895 USD/ounce
Sáng nay, giá vàng thế giới giao dịch trong khoảng 1.874 – 1.880 USD/ounce (tương đương 53,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí). Giá vàng giao tháng 12/2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.883 USD/ounce. Tuy nhiên, đến 14h30 chiều nay, giá vàng tăng lên 1.895 USD/ounce.
Vàng thế giới giảm mạnh sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông chỉ đạo ngừng đàm phán với Đảng Dân chủ về gói kích thích kinh tế mới, chờ cho tới sau cuộc bầu cử.
Đêm 6/10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.915 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.917 USD/ounce, cao hơn khoảng 25,9% (394 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 2,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 6/10.
Giá vàng thế giới lao dốc trong bối cảnh giới đầu tư ồ ạt bán vàng khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ông Jerome Powell tuyên bố các công cụ của Fed có thể giúp hạn chế thiệt hại kinh tế từ đại dịch, mang lại sự hỗ trợ ổn định trong giai đoạn cấp bách nhất của cuộc khủng hoảng khi phần lớn nền kinh tế bị đóng cửa. Đồng thời, Fed ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng và làm những gì có thể để hạn chế thiệt hại lâu dài hơn đối với nền kinh tế .
Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều. Giá cổ phiếu tại Mỹ giảm mạnh, còn cổ phiếu tại châu Âu, Nhật Bản thì tăng; đồng USD suy yếu so với nhiều đồng tiền mạnh khác.
Sau khi chạm ngưỡng 1.920 USD/ounce, giá của kim loại quý này đã đột ngột lao dốc về vùng giá hiện tại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/10 đã thông báo đình chỉ các cuộc đàm phán với các nghị sỹ Đảng Dân chủ về dự luật cứu trợ mới nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3/11 tới.
Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump nêu rõ: “Tôi đã chỉ thị cho các đại diện của tôi ngừng đàm phán cho tới sau cuộc bầu cử. Ngay sau khi tôi giành chiến thắng, chúng tôi sẽ thông qua dự luật kích thích lớn nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tập trung vào những người Mỹ chăm chỉ và các doanh nghiệp nhỏ".
Sau thông báo này, chứng khoán đã bị ảnh hưởng lớn trong khi đồng USD hồi phục.
Theo ông Bart Melek, người đứng đầu mảng chiến lược toàn cầu của TD Securities, trong kịch bản này, không có gì ngạc nhiên khi vàng giảm vì kim loại quý gần đây được giao dịch song song với chứng khoán.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế vẫn chưa hoàn thành và có thể kích hoạt "động lực suy thoái" nếu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 không được kiểm soát và tăng trưởng kinh tế không được duy trì...
Trước đó, các chuyên gia của Kitco dự báo, nếu bệnh tình của Tổng thống Trump xấu đi, thì sẽ có làn sóng bán tháo cổ phiếu, vàng sẽ mạnh mẽ hơn, vì các nhà đầu tư sẽ chuyển sang nắm giữ tiền mặt và để bù lỗ cho chứng khoán. Khi đó, giá vàng có thể quay trở lại mức 1.850 USD/ounce, thậm chí 1.800 USD/ounce hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, nếu bệnh tình của ông Trump tiến triển tốt, thì chứng khoán và giá vàng sẽ tăng lên vùng 1.925 - 1.975USD/ounce.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thuộc Kitco, 6 tuần tới có thể có nhiều biến động đối với nhiều thị trường, với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11 tới, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chuyển giao quyền lực khó đoán định; Số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng đều ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục; Vấn đề Brexit đang đi đến hồi kết mà không có thỏa thuận nào giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU); và căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc... Trong bối cảnh đó, Đại diện Ngân hàng UBS cho rằng, vàng hiện vẫn là “công cụ trú ẩn rất tốt” trước các sự kiện nhiều rủi ro và đó là lý do vàng có thể chạm mốc 2.000 USD vào cuối năm nay.
CMC Markets lại đưa ra nhận định, nếu ứng viên Tổng thống Biden làm tốt vai trò tranh cử sẽ gây sức ép tăng giá vàng, vì lúc đó USD sẽ bị bán tháo. Nguyên nhân là do ông Biden vốn không thân thiện lắm với giới doanh nghiệp như Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.
Cũng chung nhận định về các yếu tố bất định xoay quanh nền kinh tế thế giới, trong đó nổi bật là đại dịch Covid-19, các chuyên gia của Capital Economics cho rằng, có rất nhiều lý do có thể đẩy giá vàng quay trở lại ngưỡng 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, có thể dự báo được chắc chắn về một làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư.
Chủ tịch Fed Jerome Powell vừa có bài phát biểu trước cuộc họp của Hiệp hội các nhà kinh tế kinh doanh quốc gia (NABE). Ông cho biết sự phục hồi kinh tế của Mỹ đang diễn ra nhanh hơn dự kiến nhưng triển vọng vẫn "rất không chắc chắn". Ông nói thêm rằng sự phục hồi kinh tế của Mỹ đã được điều chỉnh từ đầu mùa hè, và cho rằng sự phục hồi nhanh chóng có thể trở thành một "khẩu hiệu dài hơn mong đợi".

Nguồn: VITIC