Giá vàng trong nước giảm
Vào thời điểm lúc 10h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 36,16 triệu đồng/lượng - bán ra 36,35 triệu đồng/lượng (giảm 20.000 đ/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả chiều mua vào và bán ra).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 36,22 triệu đồng/lượng (giảm 10.000 đ/lượng) - bán ra 36,32 triệu đồng/lượng (giảm 40.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 36,22 triệu đồng/lượng - bán ra 36,32 triệu đồng/lượng (giảm 30.000 đ/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng SJC niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu mua vào 36,23 triệu đồng/lượng - bán ra 36,31 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng hôm nay lặng sóng, hấp dẫn nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân, phiên giao dịch sáng nay lượng khách mua vào tích trữ lớn hơn so với lượng khách bán ra (khoảng 65% khách mua vào 35% lượng khách bán ra). Đây là thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư và người dân mua vàng tích trữ đợi giá lên bán chốt lời.
Giá vàng thế giới tăng
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 10h30 giao dịch ở mức 1284,2 USD/ounce (tăng 3,1 USD/ounce so với trưa hôm qua).
Giá vàng cao hơn một chút so với phiên trước đó do nhu cầu trú ẩn an toàn giữa những diễn biến mới về quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. Chỉ số đô la Mỹ yếu hơn hiện nay cũng đang hoạt động có lợi cho các thị trường kim loại quý. Tuy nhiên, lợi nhuận của vàng bị giới hạn bởi “bóng ma” tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn, đồng nghĩa với nhu cầu về kim loại quý ít hơn. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 4,2 USD/ounce lên mức 1285,6 USD/ounce.
Một điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam là giá vàng trên thị trường Mỹ đã đóng cửa ở mức giá cao hơn giá mở cửa, ghi nhận phiên tăng giá tích cực. Giá vàng tăng trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán Mỹ mất điểm. Thị trường phiên hôm qua đón nhận thông tin thâm hụt thương mại của Mỹ tăng nhẹ trong tháng Ba.
Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, mức chênh lệnh giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu, tăng 1,5% so với tháng Hai, lên 50 tỷ USD, thấp hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu máy bay của Mỹ giảm trong khi nhập khẩu dầu thô và thực phẩm lại tăng.
Mức tăng khiêm tốn này diễn ra trong bối cảnh nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài một năm qua với Trung Quốc có nguy cơ đổ vỡ.
Tuy nhiên thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lại giảm. Trong cán cân thương mại với các nước, trong tháng 3, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm 6,2% xuống 28,3 tỷ USD điều chỉnh theo mùa, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016.
Tổng thống Trump thông báo sẽ sớm tăng mức thuế hiện là 10% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% bắt đầu từ hôm nay (10/5/2019) theo giờ địa phương, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác.
Xu hướng giảm giá trên thị trường vàng vẫn đang chiếm xu thế. Sau phiên bán mạnh hôm trước, giới đầu tư vẫn đang thận trọng và nghe ngóng thêm thông tin.
Thị trường chứng khoán thế giới giảm, các chỉ số chứng khoán của Mỹ giảm mạnh vào giữa trưa hôm qua. Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang leo thang, với cả hai bên đào sâu mâu thuẫn và đe dọa các lệnh trừng phạt mới đối với nhau.
Một điểm nóng địa chính trị tiềm năng khác đó là Chính phủ Iran cho biết trong tuần này sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân của Liên Hợp Quốc năm 2015. Tuần này, Mỹ đã gửi một lực lượng đặc nhiệm hải quân đến Vịnh Ba Tư, bao gồm cả tàu sân bay. Một tính toán sai lầm của một trong hai bên có thể dẫn đến xung đột quân sự nghiêm trọng.
Theo chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Forex.com, ông Fawad Razaqzada, nhận xét rằng, thị trường có thể đang giao dịch trong trạng thái cầm chừng bởi xét đến nhiều rủi ro liên quan đến đàm phán thương mại tại Washington. Các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này sẽ có thể giúp cân bằng thị trường vàng và tâm lý của giới đầu tư.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ nắm giữ vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng tại châu Á dự báo sẽ tăng lên, do tiêu thụ vàng của người dân Ấn Độ trong dịp lễ Akshaya Tritiya năm nay dự báo sẽ tăng tối thiểu 10% so với năm ngoái.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng do sức cầu đối với mặt hàng tiếp tục lên cao. Giới đầu tư vẫn đang nín thờ chờ tin cuộc đàm phán Mỹ-Trung sau khi Mỹ cáo buộc Bắc Kinh phá vỡ các thỏa thuận.
Vàng tăng giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu WTI tăng giá mạnh thêm 1,2% lên trên ngưỡng 62 USD/thùng do các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung ở Trung Đông bị gián đoạn do leo thang căng thẳng Mỹ - Iran.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 8/5/2019 cho biết, nguồn cung dầu thô nội địa trong tuần kết thúc ngày 3/5/2019 sụt giảm 4 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 2,2 triệu thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm đến nay do triển vọng nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nhà xuất khẩu dầu thô Iran và Venezuela, cũng như nỗ lực cắt giảm ngồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Nhu cầu mua vàng cũng đang gia tăng. Người dân Ấn Độ trong dịp lễ Akshaya Tritiya năm nay dự báo sẽ tăng tối thiểu 10% so với năm ngoái.
Hàng loạt các yếu tố đang thúc đẩy giá vàng đi lên. Tuy nhiên, giá kim loại quý này lại chưa thể công phá thành công ngưỡng 1.290 USD/ouce.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet