Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 409,78 điểm hôm 3/8/2020, tăng 2,56% tương đương 10,23 điểm so với chỉ số trước đó hôm 31/7/2020.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 358,53 điểm, tăng 0,09% tương đương 0,32 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 419,47 điểm, tăng 2,97% tương đương 12,11 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng do lạc quan về triển vọng phục hồi nền kinh tế đối với nước sản xuất và tiêu thụ thép hàng đầu – Trung Quốc – và khi các nhà đầu tư hoài nghi về khả năng tăng sản lượng quặng sắt của công ty khai thác Vale Brazil.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 3,7% lên 893 CNY (127,92 USD)/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Singapore tăng 1,1% lên 111,68 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục tăng, với giá quặng sắt 62% Fe Australia tăng lên mức cao nhất 1 năm (891 CNY/tấn), trong khi giá quặng sắt giao ngay tăng 3 USD lên 112,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Các nhà chiến lược hàng hóa thuộc ING, Trung Quốc cho biết, lạc quan về số liệu nhà máy thị trường nội địa trong tháng 7/2020 đã thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế hồi phục bền vững hơn và nhu cầu nguyên liệu tăng.
Một số nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục hoạt động sau khi bị gián đoạn trong tháng 7/2020 do lũ lụt, thúc đẩy nhu cầu quặng sắt.
Trong khi tồn trữ quặng sắt tại Trung Quốc tính đến ngày 31/7/2020 tăng lên 116,95 triệu tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 4/2020, song vẫn dưới mức thấp trung bình 5 năm, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Mối lo ngại về các trường hợp nhiễm virus corona tại Brazil vẫn ở mức cao, với nhiều nhà đầu tư hoài nghi về liệu Vale có khả năng tăng sản lượng trong nửa cuối năm 2020.
Brazil có ổ dịch virus corona tồi tệ thứ 2 trên thế giới sau Mỹ.
Trên sàn Thượng Hải, giá thanh cốt thép tăng 1,2%, giá thép cuộn cán nóng tăng 1,1% và giá thép không gỉ tăng 2,2%.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc giảm 0,6% song giá than cốc tăng 1,5% lên mức cao nhất 12 tháng.
Các thông tin khác:
Sản phẩm thép: Theo Liên đoàn Sắt và Thép Nhật Bản (JISF), trong tháng 6/2020 nước này xuất khẩu 24,2 triệu tấn sản phẩm thép, giảm 16,7% so với tháng 6/2019.
Trong số đó, xuất khẩu thép HRC và CRC giảm hơn 20% so với tháng 6/2019, xuất khẩu thép tấm mạ kẽm giảm 19,4% so với tháng 6/2019. Trung Quốc (đại lục), Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Thái Lan và Mỹ là điểm đến chủ yếu của sản phẩm thép Nhật Bản trong tháng 6/2020.
Trong tháng 6/2020, Nhật Bản nhập khẩu 320.000 tấn sản phẩm thép, giảm 14,5% so với tháng 6/2019, giảm 6 tháng liên tiếp.
Trong số đó, nhập khẩu thép HRC, CRC và thép tấm mạ kẽm của Nhật Bản giảm 18,2%; 16,3% và 11,8% theo thứ tự lần lượt.
Hàn Quốc, Đài Loan (TQ) và Trung Quốc (đại lục) là thị trường cung cấp chủ yếu song nhập khẩu từ các thị trường khác giảm so với tháng 6/2019.
Thép CRC: Thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), trong tháng 6/2020 nước này nhập khẩu 81.000 tấn thép cuộn cán nguội (CRC), giảm 27,2% so với tháng 5/2020 và giảm 31,6% so với tháng 6/2019.
Trong số đó, nhập khẩu từ Canada chiếm phần lớn đạt 23.000 tấn, giảm 0,54% so với tháng 5/2020 song tăng 36,6% so với tháng 6/2019. Các thị trường nhập khẩu khác bao gồm Mexico, Australia, Hàn Quốc và Hà Lan đạt 20.600 tấn; 9.980 tấn; 7.600 tấn và 4.200 tấn.
Thép thô: Thống kê từ Viện Sắt và Thép Mỹ (AISI), trong tuần kết thúc ngày 1/8/2020, sản lượng thép thô của Mỹ đạt 1,33 triệu tấn, tăng 0,6% so với tuần trước đó, trong khi giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sử dụng đạt 59,3%, tăng 0,4% so với tuần trước đó song giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến tuần kết thúc ngày 1/8/2020, sản lượng thép thô Mỹ đạt 46,1 triệu tấn, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sử dụng đạt 66,2%, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: VITIC/Reuters