Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 329,9 điểm hôm 4/9/2019, tăng 0,31% tương đương 1 điểm so với chỉ số trước đó hôm 3/9/2019.

Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 327,05 điểm, tăng 0,44% tương đương 1,42 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 330,43 điểm, tăng 0,28% tương đương 0,93 điểm so với chỉ số trước đó.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 5/9/2019 tăng phiên thứ 6 liên tiếp, khi chính phủ cam kết sẽ thực hiện các chính sách tiền tệ và tài chính để thúc đẩy nền kinh tế chậm chạp.

Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 3,8% lên 664 CNY (93,62 USD)/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc ở mức 91 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 1,2% lên 3.455 CNY/tấn.

Argonaut Securities cho biết: “Sự hỗ trợ của chính phủ gia tăng từ các mặt tài chính và tiền tệ có tác động tích cực đến sản xuất thép và nhu cầu than luyện cốc”.

Giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,4% lên 1.332 CNY/tấn.

Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 3.479 CNY/tấn. Giá nguyên liệu sản xuất thép khác bao gồm than cốc tăng 2% lên 1.939 CNY/tấn.

Bộ Thương mại Mỹ công bố sẽ áp đặt thuế đối với thép cơ cấu của Trung Quốc và Mexico lên tới 141% và 31% theo thứ tự lần lượt.

Các thông tin khác:

Thép không gỉ: Thống kê cho biết, tính đến 23/8/2019, dự trữ thép không gỉ tại Foshan và Wuxi đạt 331.000 tấn trong tháng 8/2019, tăng 2,35% so với tháng trước đó.

Trong số đó, dự trữ thép không gỉ loại 200 tăng 0,92% so với tháng trước đó lên 109.600 tấn, loại 300 tăng 2,35% lên 330.500 tấn. Cả hai loại đạt mức cao nhất lịch sử.

Tuy nhiên, dự trữ lũy kế sẽ tăng hơn nữa do tiêu thụ thép không gỉ từ lĩnh vực hạ nguồn suy yếu.

Thép CRC: Thống kê cho biết, trong tháng 7/2019 Mỹ nhập khẩu 101.500 tấn thép cuộn cán nguội, giảm 14,2% so với tháng 6/2019 và 32,6% so với tháng 7/2018. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 80 triệu USD, so với 98,8 triệu USD tháng 6/2019 và 129 triệu USD tháng 7/2018.

Trong số đó, Canada là nước cung cấp lớn với 31.000 tấn, so với 35.700 tấn tháng 6/2019 và 26.350 tấn tháng 7/2018. Các thị trường cung cấp chủ  yếu khác  bao gồm Việt Nam (20.400 tấn), Mexico (18.700 tấn), Thụy Điển (6.530 tấn) và Hàn Quốc (6.500 tấn).

Thép thanh: Thống kê từ Hải quan Đài Loan (TQ), Đài Loan đã nhập khẩu 87.000 tấn thép thanh trong tháng 7/2019, tăng 20% so với tháng 7/2018.

Trong số đó, nhập khẩu từ Nga đạt 67.000 tấn, từ Nhật Bản đạt 14.000 tấn, từ Việt Nam đạt 4.900 tấn. Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu khác bao gồm Nam Phi, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: vinanet