Giá vàng trong nước giảm
Vào thời điểm lúc 15h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC tại Hà Nội mua vào 41,53 triệu đồng/lượng - bán ra 41,83 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả chiều mua vào và bán ra).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 41,63 triệu đồng/lượng (giảm 20.000 đồng/lượng) - bán ra 41,75 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 41,63 triệu đồng/lượng (giảm 20.000 đồng/lượng) - bán ra 41,80 triệu đồng/lượng (giảm 70.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 41,64 triệu đồng/lượng (giảm 10.000 đồng/lượng) - bán ra 41,76 triệu đồng/lượng (giảm 70.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới giảm
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 15h giao dịch ở mức 1.488,8 USD/ounce. Chốt phiên đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp và giá kim loại quý đã thực sự giảm xuống dưới ngưỡng 1.490 USD sau khi cố gắng bứt phá nhưng không thành. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 4,1 USD xuống 1.491,7 USD/ounce. Do đà giảm hai phiên qua, giá vàng tính trong 30 phiên gần nhất đã chuyển trạng thái sang “âm” 7,4 USD (0,49%).
Giá vàng hôm nay cao hơn 16,7% (214 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 41,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 400 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng giảm khi nhu cầu trú ẩn an toàn giảm mạnh, dòng vốn nhất là vốn ngắn hạn đã thay đổi và hướng tới thị trường chứng khoán khi sự lạc quan của giới đầu tư trên toàn thế giới gia tăng trong bối cảnh các báo cáo từ Trung Quốc và Mỹ cho thấy thỏa thuận giai đoạn 1 đã gần như sẵn sàng để ký kết.
Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang họp chính sách thường kỳ tháng 10. Phiên họp sẽ kết thúc vào hôm nay theo giờ địa phương và sau cuộc họp Fed sẽ công bố kết quả trước khi có biên bản chính thức.
Giới phân tích cho rằng khả năng cao là Fed sẽ giảm thêm 0,25% lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng những tiên liệu cho chính sách của Fed trong dài hạn hiện vẫn chưa rõ ràng. Giới đầu tư sẽ phải chờ đợi cuộc họp báo từ Chủ tịch Jerome Powell vào cuối ngày 30/10/2019.
Phiên hôm nay, dữ liệu kinh tế lớn nhất trong tuần sẽ được công bố, đó là báo cáo tổng sản phẩm quốc nội. Tiếp đó, vào ngày 1/11/2019, báo cáo việc làm từ Bộ Lao động Mỹ cũng sẽ được công bố. Những dữ liệu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của giới đầu tư trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá vàng phải tìm được động lực để vượt qua các ngưỡng kháng cự kỹ thuật 1.500 USD/ounce và sau đó là 1.510,8 USD/ounce. Ngược lại, nếu không có động lực hỗ trợ, giá kim loại quý sẽ phải đối mặt với ngưỡng hỗ trợ 1.485,6 USD/ounce và sau đó là 1.478 USD/ounce.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, vàng vẫn chưa thể mất "giai đoạn huy hoàng" vì sự không rõ ràng trong các cuộc đàm phán thương Mỹ-Trung cũng như tiến trình đàm phán về Brexit vẫn có thể tạo ra những tác động lớn. Lãi suất thấp sẽ làm vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư vì nó làm giảm chi phí nắm giữ kim loại quý này.
Vàng còn chịu áp lực giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/10/2019 cho biết ông dự kiến sẽ sớm ký một phần quan trọng của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều khả năng, Mỹ sẽ gia hạn việc hoãn áp thuế đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mà theo kế hoạch sẽ hết hạn vào ngày 28/12/2019.
Sự sụt giảm lượng vàng tiêu thụ trong dịp Lễ hội ánh sáng Diwali của Ấn Độ cũng tác động tiêu cực tới thị trường. Yếu tố khiến sức cầu trong lễ hội này giảm là giá vàng tính theo đồng tiền nội tệ Ấn Độ đã lên mức cao kỷ lục trong tháng 9.
Nhưng ở chiều ngược lại, nhu cầu đối với vàng được đánh giá vẫn ở mức rất lớn, mỗi khi giá giảm. Nhu cầu đối với vàng tăng cao ở nhiều nước và khu vực như Achentina, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông…
Về dài hạn, vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sự bất định trong quan hệ Mỹ-Trung cũng như tác động của việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Nguồn: VITIC