Sau 20 năm tồn tại và trải qua "biến cố" từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đồng euro hiện được sử dụng tại 19 nước tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã trở thành công cụ giao dịch chính trên các thị trường tài chính châu Âu.
Ra đời ngày 1/1/1999, đồng euro ban đầu chỉ tồn tại như một dạng tiền ảo được sử dụng trong các giao dịch tài chính và kế toán. Ba năm sau, tức năm 2002, đồng tiền này mới chính thức được đưa vào lưu hành và sử dụng.
Hiện có hơn 340 triệu người tại 19 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang sử dụng đồng tiền này trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày dưới dạng tiền giấy và tiền xu.
Ở thời kỳ đầu, đồng tiền này đã không giành được thiện cảm của người dân châu Âu bởi sự xuất hiện của nó kéo theo tình trạng tăng giá ngoài mong muốn.
Tại Đức, đồng tiền này thậm chí còn được nhắc đến với cái tên "teuro" vốn được dùng để mô tả sự đắt đỏ.
Tuy nhiên, việc tiêu pha dễ dàng trong qua trình đi lại hay giao dịch thương mại xuyên biên giới mà không cần tiến hành chuyển đổi tiền tệ đã nhanh chóng giúp đồng tiền này "lấy điểm" trong lòng người dân châu Âu.
Ngày nay, đồng euro ngày càng được ưa chuộng hơn bất chấp tâm lý bài châu Âu và chủ nghĩa dân túy gia tăng tại nhiều nước.
Theo khảo sát hồi tháng 11/2018 của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), 74% công dân Eurozone cho rằng đồng euro mang đến lợi ích cho EU, trong khi có 64% ý kiến cho rằng đồng tiền này mang đến lợi ích cho từng quốc gia thành viên.
Hiện euro là đơn vị tiền tệ được lưu hành phổ biến thứ hai thế giới, sau đồng "Bạc xanh" của Mỹ.
Theo nhận định của cựu Bộ trưởng Tài chính Hà Lan và cũng là người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) giai đoạn 2013-2018, ông Jeroen Dijsselbloem, Eurozone hiện đã có sự chuẩn bị tốt hơn với những quy định và quy tắc tài chính hoàn thiện hơn, các thể chế tài chính và quỹ hoạt động hiệu quả hơn, và nhờ đó, euro là "cội nguồn ổn định" chống lại chủ nghĩa dân túy gia tăng tại châu Âu hiện nay.
Tuy nhiên, ông cho rằng đồng tiền này cần được củng cố sức mạnh thông qua việc hoàn thiện liên minh ngân hàng và liên minh thị trường vốn thực sự để có thể chống đỡ những "cú sốc" trong tương lai.

Nguồn: Lan Phương/TTXVN