Tại buổi hội thảo, ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB khu vực Việt Nam nhấn mạnh rằng cổ phần hóa chỉ là sự thay đổi về cổ phần, sở hữu và đây là điều kiện cần. Hiệu quả của quá trình này phụ thuộc vào chất lượng công tác quản trị hơn là tiến độ hay số doanh nghiệp được cổ phần.

Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế thuộc ADB, nhận định Chính phủ Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu cổ phần hóa 228 doanh nghiệp trong năm nay của Chính phủ Việt Nam.

Báo cáo ADB cho rằng đây là mục tiêu “hơi tham vọng”, và dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục cổ phần hóa trong năm 2016 hoặc muộn hơn nữa.

Tuy nhiên ông Aaron đánh giá khách quan rằng nỗ lực cổ phần hóa 61 doanh nghiệp Nhà nước trong 6 tháng đầu năm là “những tiến bộ đáng chúc mừng”. Cả 2 đại diện ADB đồng ý rằng, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một vấn đề gây khó khăn, không những cho Chính phủ Việt Nam mà cho nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ông Aaron cũng chia sẻ rằng Ngân hàng này cũng đã và đang làm việc với Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, nâng cao chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Trong họp báo hôm nay, ADB nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay (tương đương mức 6,1% và 6,2%).

Tuy nhiên báo cáo ADB lo ngại rằng Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách sâu rộng hơn nữa. Các doanh nghiệp trong nước vẫn đang chất vật cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Phát lớn tăng trưởng xuất khẩu là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang sản xuất khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu, cao hơn so với tỷ lệ một nửa ở thời điểm 5 năm trước đây. Các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu từ 2-4 tỷ USD mỗi tháng, kể từ tháng 1/2010 trở lại đây.

Ngoài việc cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tăng cường cải cách doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tài chính ngân hàng như trong Báo cáo đã đề nghị, thì cả 2 đại diện ADB trong sáng nay đều đồng ý rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được quan tâm hơn nữa.

Trước đó, trong báo cáo về các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, ADB nhấn mạnh các SME cần nhiều nguồn vốn phục vụ tăng trưởng và cơ hội hơn để tiếp cận những kênh tài chính đa dạng.

Tổng kết lại, ông Eric nhận định Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu rất cao trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, và chính điều này cũng thể hiện tham vọng và quyết tâm của Chính phủ, dẫu mục tiêu trong năm 2015 có nhiều khả năng không đạt được

“Chúng ta cần kiên nhẫn vì chúng ta biết rằng Việt Nam đang có nhiều tiến bộ”, ông Eric lạc quan.

Đức Anh