Virus Corona được đặt tên mới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đặt tên chính thức cho virus Corona chủng mới là Covid-19. Tên gọi mới này rút gọn theo các từ "corona", "virus", "disease" (dịch bệnh) và 2019 (năm mà virus xuất hiện).
Theo WHO, tên gọi mới Covid-19 nhằm tránh liên hệ đến vị trí địa lý cụ thể, nhóm động vật hoặc người, và tránh tạo sự kỳ thị trong cộng đồng. Trong thông báo, WHO cũng dự báo vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ sẵn sàng trong vòng 18 tháng nữa.
Cập nhật số người nhiễm mới
Đến hết ngày 11/2, toàn thế giới có 45.153 ca nhiễm virus corona, trong đó 1.115 ca tử vong. Trong đó, tại Đông Nam Á, Singapore xác nhận có 47 ca nhiễm bệnh và Malaysia là 18 ca, Thái Lan là 33, Việt Nam là 15...
Cũng đến hết ngày 11/2, tỉnh Hồ Bắc có thêm 94 người tử vong và 1.638 người có kết quả dương tính với virus corona.
Dự báo dịch sẽ kết thúc vào tháng 4/2020
Trong đánh giá mới nhất về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc - ông Chung Nam Sơn cho rằng đợt bùng phát dịch bệnh sẽ đạt đỉnh tại Trung Quốc trong tháng này và sẽ qua đi vào tháng Tư tới.
Trước đó, ngày 10-2, phát biểu tại Nhà Trắng trong lúc tham dự một sự kiện với thống đốc các bang của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV), khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), sẽ chấm dứt vào tháng 4 tới do thời tiết ấm hơn.
WHO kêu gọi thế giới chung tay đối phó với virus corona
Trong hai ngày 11-12/2, Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, trong bối cảnh WHO tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) là vấn đề toàn thế giới phải đối phó.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra không còn là việc riêng của Trung Quốc mà là mối đe dọa đối với các nước còn lại trên thế giới. Điều mấu chốt là sự đoàn kết, đặc biệt liên quan tới việc chia sẻ mẫu phẩm, chuỗi virus và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc điều trị cũng như vaccine phòng ngừa. Để chiến thắng dịch bệnh này cần phải cởi mở và chia sẻ công bằng tuân theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng.
Bộ Công Thương hỗ trợ người nông dân kết nối tiêu thụ nông sản tại các hệ thống phân phối
Chiều ngày 11/02/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp nhằm kết nối các doanh nghiệp phân khối lớn với các địa phương có vùng sản xuất tập trung như Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bình Thuận, Sơn La, Thanh Hóa... để đẩy mạnh các mặt hàng nông sản đã, đang và sẽ thu hoạch trong thời gian tới.
Cùng tham gia buổi làm việc còn có một số đơn vị thuộc Bộ (Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ, Công đoàn Bộ Công Thương…), Sở Công Thương (các tỉnh: Đồng Nai, Tiền Giang, Bắc Giang, Bình Thuận, Sơn La, Đồng Tháp, Hà Nội, Thanh Hóa… ) và các doanh nghiệp phân phối lớn (Vincommerce, Tập đoàn Central Retail - Siêu thị BigC và Go!, MM Mega Market, AEON, Lotte, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Hapro, BRG…).
Do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp, để hạn chế lây lan dịch bệnh, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan nên một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long và trong thời gian tới là xoài, vải ... đang và sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ. Để chủ động hỗ trợ tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương và doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin cụ thể về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó, phối hợp hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn (thông tin chi tiết).

Nguồn: VITIC tổng hợp