Chủ động giảm thiểu tổn thất kinh tế
Nhiều chuyên gia cho rằng, các tác động trực tiếp từ dịch nCoV là kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhất là xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, dệt may, điện thoại và linh kiện; lượng khách quốc tế giảm mạnh…
Cụ thể, liên quan đến thị trường hàng hóa nhập khẩu trong tháng 1/2020, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 6,2 tỷ USD, đã giảm đến 7,1% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2020 của Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định, thực tiễn hai tuần qua cho thấy, bên cạnh tác động lớn nhất của dịch viêm phổi cấp corona đến sức khỏe và tâm lý cộng đồng, dịch này cũng đã tác động rất nhanh và trực tiếp đến các mặt của kinh tế Việt Nam như: Xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải, thị trường chứng khoán, thương mại nội địa, du lịch, sản xuất.
Xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải và thị trường chứng khoán là các lĩnh vực đã chịu tác động ngay và rõ rệt trong khi đầu tư nước ngoài, thương mại nội địa và sản xuất công nghiệp tuy có chịu tác động nhưng là gián tiếp và chỉ cục bộ ở một số ngành hàng, lĩnh vực đầu tư nhất định, địa phương cụ thể.
Bộ Công Thương cho rằng, mức độ tác động của dịch viêm phổi cấp corona tới các mặt của nền kinh tế phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch. Trước mắt, hiệu ứng tác động của dịch đến một số mặt của nền kinh tế tuy khá nhanh nhưng chỉ là tạm thời. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm do cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm; giao thương biên giới bị hạn chế; thời gian giao hàng, thông quan kéo dài do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập).
Bộ Công Thương dự kiến nhiều kịch bản ảnh hưởng tới ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ví dụ, trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), thì trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 - 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5 - 8%, tùy theo diễn biến của dịch.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là Chính phủ cần theo dõi sự lây lan và phát triển của dịch viêm phổi cấp corona một cách chặt chẽ, từ đó đưa đến cho người dân những thông tin chính xác nhất, doanh nghiệp và các nhà đầu tư yên tâm, không bị hoang mang. Doanh nghiệp cần có những biện pháp để thay thế như xuất khẩu sang các nước khác, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Với lĩnh vực chứng khoán, các nhà đầu tư nên bình tĩnh để theo dõi tình hình và diễn biến của dịch bệnh, không nên quá vội vàng bán tháo cổ phiếu, đặc biệt, không nên "té nước theo mưa".
Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ tình hình và có thể chấp nhận bán hàng với giá rẻ để mở rộng, khai phá các thị trường khác.

Nguồn: https://congthuong.vn/