Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong quý III năm 2019 đạt 138,6 tỷ USD, có mức kim ngạch vượt trội so với hai quý đầu năm (Quý I đạt 116 tỷ USD, Quý II đạt 127 tỷ USD), đồng thời tăng 9% so với quý III năm 2018.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 72 tỷ USD, tăng 13,1% so với quý trước và tăng 10,4% so với quý III năm ngoái; tổng trị giá nhập khẩu đạt 66,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với quý trước và tăng 7,5% so với quý III năm 2018.
Với kết quả này, tổng trị giá xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt gần 382 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng hơn 29 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt mức thặng dư cao nhất từ trước tới nay, với con số xuất siêu lên đến 7,1 tỷ USD, vượt hơn 1 tỷ USD so với ước tính được các nhà chuyên môn đưa ra ít ngày trước đó (ước tính trước đó xuất siêu 9 tháng đầu năm gần 5,9 tỷ USD).
Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thặng dư 24,63 tỷ USD, ngược lại doanh nghiệp trong nước thâm hụt 17,53 tỷ USD.
Tốc độ tăng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước duy trì mức cao hơn khối FDI kể từ cuối năm 2018. Cụ thể, 9 tháng năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt gần 140 tỷ USD, tăng 14,5%; doanh nghiệp FDI đạt 242 tỷ USD, tăng 5%.
Đóng góp số một cho tăng trị giá xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Hoa Kỳ. Xuất khẩu sang thị trường này trong 9 tháng đầu năm đạt 46,65 tỷ USD, tăng 9,65 tỷ USD, tương ứng tăng gần 28%.
Trong khi các thị trường chính khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN tăng chậm lại, thậm chí sang liên minh châu Âu (EU) giảm nhẹ.
Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc chiếm thị phần lớn về kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu từ thị trường này lên đến 55,39 tỷ USD, tăng 8,12 tỷ USD, tương ứng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó từ các thị trường chính khác chỉ tăng ở mức 1 con số, thậm chí nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản lại suy giảm.
9 tháng đầu năm có 6 nhóm hàng xuất khẩu tăng thêm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,83 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,1 tỷ USD; hàng dệt may tăng 2,15 tỷ USD; giày dép các loại tăng 1,5 tỷ USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 1,37 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,08 tỷ USD.
Ở chiều nhập khẩu, có 5 nhóm hàng nhập khẩu tăng trưởng kim ngạch trên 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,81 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 2,93 tỷ USD; dầu thô tăng 1,53 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 1,46 tỷ USD; than đá tăng 1,15 tỷ USD.
Ngược lại, nhập khẩu xăng dầu các loại giảm mạnh tới hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Baohaiquan.vn