Việc thay thế xăng khoáng A92 (RON 92) bằng xăng sinh học E5 đang được thực hiện theo lộ trình, tiến tới mục tiêu thay thế hoàn toàn vào ngày 1/1/2018. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đây là lộ trình quan trọng, bắt buộc, không có đường lùi.

 

Tiêu thụ chuyển biến chưa nhiều
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến ngày 31/10/2016, cả nước có 1.256 cửa hàng bán lẻ xăng E5 trên tổng số 11.421 cửa hàng bán xăng dầu (chiếm 11%); lượng xăng E5 tiêu thụ đạt gần 50.000m3/tháng, chiếm 9,14% so với tổng lượng xăng khoáng RON 92. Con số này chưa đạt được lộ trình theo Quyết định số 53/2012/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là "từ ngày 1/12/2015, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5". Cuối năm 2016, một kế hoạch khác được đưa ra là xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng RON 92 vào khoảng tháng 6/2017. Tuy nhiên, chưa đến thời hạn này, Bộ Công Thương đề xuất lùi đến ngày 1/1/2018.
Theo tính toán Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, đến tháng 10/2016, tại TP. Hồ Chí Minh đã có trên một nửa trong tổng số hơn 500 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ bình quân chưa cao, chỉ đạt 8.330m3/tháng.
Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, đến tháng 10/2016, lượng xăng E5 tiêu thụ đạt 12.680m3; xăng khoáng RON 92 là hơn 108.700 m3. Theo đại diện DN phân phối xăng dầu tại Hà Nội, xăng E5 tiêu thụ chậm, lượng bán chỉ bằng 1/10 xăng RON 92.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Văn Thế - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình - cho biết, trên toàn hệ thống công ty mới triển khai được 21 cửa hàng bán xăng E5 trong tổng số 94 cửa hàng. Tại địa bàn Hà Nội, tỷ lệ bán xăng E5 khả dĩ hơn, nhưng đối với các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình gần như khó triển khai, thậm chí cả tỉnh Sơn La chỉ có 2 cửa hàng bán xăng E5.
Khó từ giá đến nguồn cung
Theo ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) - xăng E5 có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng chưa được sử dụng phổ biến do tâm xăng khoáng hơn. Thêm vào đó, giá xăng E5 chỉ rẻ hơn xăng RON 92 khoảng 300 đồng/lít, chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Mặt khác, nguyên liệu pha chế xăng E5 quá thiếu, Việt Nam chưa có vùng nguyên liệu lớn, việc triển khai quy mô nhiên liệu xăng sinh học còn nhiều khó khăn.
Đến nay, chất lượng xăng sinh học đã được bảo đảm. Khi đưa vào tiêu thụ đại trà, xăng E5 sẽ góp phần rất lớn giải quyết vấn đề khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lãnh đạo DN xăng dầu đầu mối lớn thẳng thắn cho rằng, xăng sinh học đến nay vẫn chưa được các DN xăng dầu đầu mối mặn mà một phần do nguồn nguyên liệu đầu vào, nguồn cung ethanol và đầu ra không ổn định. Chưa kể tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình vận chuyển bảo quản và việc đầu tư các máy pha trộn, hệ thống bể chứa khiến chi phí của DN đội lên nhiều.
Việc "khai tử" xăng A92, chuyển qua xăng sinh học còn vướng ở chi phí phát sinh cho DN. DN sẽ phải đầu tư chuyển đổi bồn chứa từ xăng A92 sang E5 với chi phí khoảng 30 triệu đồng/bồn. Cùng đó, ngoài cơ sở vật chất, DN bắt buộc phải có phòng thí nghiệm mới được cấp phép pha chế. Chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm lên tới 10 tỷ đồng, nhưng lại không dùng hết công suất nên càng làm DN nản lòng.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng lượng xăng E5 bán ra trên cả nước từ tháng 12/2015 đến hết tháng 10/2016 khoảng 63.876m3, chiếm khoảng 12,15% so với tổng lượng xăng khoáng A92 và chỉ chiếm 9,21% so với tổng lượng xăng khoáng bán ra.
Kỳ II: Cần "đòn bẩy"

Nguồn:Lan Anh - Thanh Tâ/Báo Công Thương điện tử