Chiều 20/10, tại phiên họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết mặc dù tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, NSNN năm 2015 vẫn bội chi 31.300 tỷ đồng.

Báo cáo tình hình thu chi NSNN năm 2015 và dự toán NSNN năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được sự ủy quyền của Chính phủ đề nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp để bù đắp hụt thu NSNN. Đồng thời, trong năm 2016, Chính phủ sẽ bán tiếp vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, dự kiến thu về 30.000 tỷ đồng.

Chủ trương này của Chính nhận được đồng tình từ Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban yêu cầu Chính phủ cần làm rõ số còn lại (21.300 tỷ đồng) sẽ được xử lý từ nguồn nào và báo cáo phương án xử lý cụ thể theo quy định của Luật NSNN hiện hành.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, chủ trương bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương đúng nhưng cần phân tích, cân nhắc, phân loại lĩnh vực. Chẳng hạn như lĩnh vực nào sinh lời nhiều, đóng góp ngân sách nhiều, kỹ thuật đơn giản thì để doanh nghiệp tư nhân làm.

Theo ông Kiêm, việc Chính phủ quyết định bán vốn cổ phần ở một số doanh nghiệp để bù đắp ngân sách không phải mới nhưng đã thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý của Nhà nước trước bối cảnh hội nhập TPP.

“Cái gì Nhà nước không làm được nên để cho tư nhân làm, Nhà nước chỉ tập trung vào những vấn đề dài hạn. Tuy nhiên bán vốn cổ phần cũng nên phân loại đơn vị, lĩnh vực để đảm bảo hài hòa lợi ích xã hội và ngân sách. Nhà nước chỉ nên nắm giữ lĩnh vực dầu khí, điện, còn những lĩnh vực khác như sữa, viễn thông, hàng không… nên bán hết cổ phần”- Ông Kiêm nêu quan điểm.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, việc bán bớt cổ phần của Nhà nước là chủ trương đúng và phù hợp với quá trình tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, Chính phủ không nên đưa nguồn tiền thoái vốn này vào vốn ngân sách nói chung mà phải tách biệt rõ ràng.

“Đầu tư vào đâu, phải có địa chủ cụ thể, ví dụ bao nhiêu tiền làm bệnh viện gì, bao nhiêu tiền làm công trình gì? Chúng ta không nên dùng lượng tài sản đó để đi chi tiêu mà phải sử dụng có lợi nhất vì nó là tài sản chung. Ví dụ từ tiền của Vinamilk, nếu chuyển để đầu tư Bệnh viện Ung Bướu Trung ương thì nó mang lợi ích khác, coi như tài sản đó vẫn còn. Chi vào đâu dự án nào là phải có địa chỉ và QH quyết theo địa chỉ đó”- ông Lịch nói.

Phương Ngọc