Mỹ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU
Trong một tuyên bố trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phát hiện việc EU trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, gây bất lợi cho Mỹ.
Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), có tổng trị giá 11 tỷ USD.
Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố trên chỉ 1 ngày sau khi Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách hàng hóa của EU bị đánh thuế bổ sung.
EU nhất trí lùi thời hạn ra đi của nước Anh đến 31/10
Đêm ngày 10/4/2019 theo giờ Việt Nam, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí lùi thời hạn ra đi của nước Anh đến ngày 31/10.
Đây là lần thứ 2 EU đồng ý gia hạn ngày Anh rời khỏi liên minh, còn gọi là Brexit, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong trường hợp Brexit cứng. Tuy nhiên, đề xuất này còn phải chờ được Anh chấp thuận.
Khả năng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra trong tương lai gần
Ngày 12/4, giới chuyên gia nhận định khả năng một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ được tổ chức trong tương lai gần đang gia tăng sau khi các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ cùng chung quan điểm ủng hộ duy trì đà đối thoại nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.
Trong cuộc gặp tại thủ đô Washington ngày 11/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định cam kết giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng sẽ giúp đề cao vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cho ông một cơ sở cần thiết để thực hiện các bước đi tiếp theo, như khả năng nối lại cuộc đối thoại với Mỹ.
EU bật đèn xanh cho tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ
Các nguồn tin ngoại giao cho hay, các nước thành viên Liên minh châu Âu đã bật đèn xanh" cho việc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, chấm dứt nhiều tháng bế tắc do sự phản đối của Pháp
Tại cuộc họp ngày 11/4 của Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), đại diện các nước EU đã thông nhất hai sứ mệnh trong cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ: giảm thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp và nới lỏng các quy định cho phép các công ty hai bên đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ hoặc EU. Hai sứ mệnh đối thoại này dự kiến sẽ được đưa ra thông qua chính thức tại cuộc họp của các Bộ trưởng Nông nghiệp EU vào ngày 15/4 tới tại Brussels.
Trung Quốc và Triều Tiên chính thức thông cầu mới qua biên giới
Ngày 8/4, Triều Tiên và Trung Quốc đã chính thức khai trương một cây cầu mới bắc qua biên giới trên sông Áp Lục, báo hiệu khả năng mở rộng trao đổi kinh tế giữa hai nước trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế vẫn đang có hiệu lực.
Cây cầu mới kết nối thành phố Cát An ở tỉnh Cát Lâm , miền Đông Bắc Trung Quốc với thành phố biên giới phía Bắc Manpo của Triều Tiên.
Hai nước đã nhất trí tiến hành dự án xây cầu Jian-Manpo hồi tháng 5/2012 và hoàn thành việc xây dựng vào năm 2016. Tuy nhiên, hai bên đã trì hoãn việc chính thức thông cầu, dường như bởi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên liên quan tới các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
Kinh tế thế giới đang đối mặt với một quãng thời gian bất trắc cao
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 11/4 cho biết thế giới đang phải đối mặt với một quãng thời gian "bất trắc cao", khi 70% nền kinh tế toàn cầu rơi vào tăng trưởng chậm và tình trạng này có thể càng tồi tệ hơn bởi "những vết thương tự mình gây ra" như các cuộc chiến tranh thương mại không cần thiết.
FDI cam kết rót vào Hàn Quốc quý đầu năm giảm gần 36%
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 11/4 cho biết số vốn FDI cam kết rót vào Hàn Quốc trong các tháng 1-3/2019 chỉ đạt 3,17 tỷ USD, giảm 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng FDI thực tế từ các công ty nước ngoài trong cùng thời gian trên đạt 2,62 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết nhìn chung FDI vào Hàn Quốc giảm là do tình hình đầu tư trên toàn cầu giảm sút trong bối cảnh xuất hiện các lo ngại về việc kinh tế chậm lại. FDI toàn cầu trong năm 2018 giảm 19% xuống 1.200 tỷ USD.
Cuba đối phó ra sao nếu nguồn cung năng lượng từ Venezuela gián đoạn?
Cuba có thể phải chi gần 2 tỷ USD hàng năm để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu nếu Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát thành công trong việc chấm dứt gửi dầu cho La Habana như lời đe dọa mới đây.
Mặc dù khả năng này vẫn xa vời khi quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro, song đây là sẽ là đòn đánh mạnh vào nền kinh tế Cuba nói chung trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt thanh khoản của La Habana từ vài năm qua không còn là bí mật và trở nên trầm trọng trong năm nay, gây ra tình trạng thiếu thốn cục bộ nhiều hàng hóa cơ bản.
Hiện mỗi ngày Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) gửi 40.000-50.000 thùng dầu/ngày sang Cuba – số lượng này chỉ bằng gần 1/2 so với thời gian trước khi Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị - nhưng vẫn mang tính quan trọng chiến lược đối với Cuba.
Brexit “không thỏa thuận” sẽ tác động ra sao đến xuất khẩu vào thị trường Anh?
Báo cáo mới công bố “Brexit không thỏa thuận – hàm ý đối với các nước đang phát triển” của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy Vương quốc Anh và các đối tác thương mại tương lai cần đẩy nhanh các thỏa thuận song phương để tránh thiệt hại trong trường hợp Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận.
Trường hợp Brexit “không thỏa thuận”, xuất khẩu của EU sang Anh có thể sẽ giảm 34,5 tỷ USD, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (2,4 tỷ), Hàn Quốc (714 triệu USD).
Vấn đề Brexit: Gia hạn thêm 6 tháng, nhưng kèm theo nhiều điều kiện
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí gia hạn Brexit thêm 6 tháng, đến ngày 31/10 tới. Liên quan đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), các nhà lãnh đạo EU nêu rõ nếu Anh không phê chuẩn thỏa thuận "ly hôn" trước ngày 22/5, cử tri Anh sẽ phải tham gia cuộc bầu cử EP ngày 23-26/5. Nếu London không đáp ứng một đòi hỏi pháp lý của EU, nước này sẽ rời khỏi Liên minh ngay trong ngày 1/6 mà không có thỏa thuận nào.
CPI tháng 3/2019 của Mỹ tăng cao nhất trong 14 tháng qua
Bộ Lao động Mỹ cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 0,4% trong tháng 3/2019 nhờ sự gia tăng của giá các mặt hàng thực phẩm và xăng cũng như giá thuê nhà. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2018. Trong 12 tháng đến hết tháng Ba vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,9%, trong khi các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters dự đoán CPI tăng 0,3% trong tháng Ba và 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
IMF: Kinh tế toàn cầu dễ tổn thương vì rủi ro tín dụng và nợ
Tobias Adrian, người đứng đầu Ban Thị trường Vốn và Tiền tệ thuộc IMF, nhận định mặc dù những cảnh báo trên chưa đến mức đáng báo động, song các chính phủ sẽ đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng sự cần thiết phải thắt chặt hoạt động giám sát lĩnh vực tài chính vào thời điểm kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi phát triển kinh tế tự lực
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 11/4 đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển kinh tế "tự lực", coi đây là sự giáng trả mạnh đối với các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt với nước này. Ông nêu rõ cần phải kiên định phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hướng tới tự lực phù hợp với hoàn cảnh đất nước, qua đó "giáng trả các thế lực thù địch tìm cách khuất phục Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt".
Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Hàn Quốc
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra đã một năm và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Hàn Quốc.
Đe doạ hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc trong đó chip bán dẫn của Hàn Quốc xuất sang Trung Quốc đang chiếm tới 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một cường quốc dựa trên công nghệ, và Mỹ thì ra sức ngăn chặn điều này. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc, vốn lo ngại Trung Quốc sẽ có các bước tiến nhanh chóng nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ với Hàn Quốc, sẽ có thêm thời gian.
Kinh tế Anh tăng trưởng cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế
Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 10/4, trong tháng 2/2019 kinh tế Anh tăng trưởng 0,2%, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế tại khu tài chính London đưa ra trước đó. Ngành dịch vụ vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong tháng 2/2019, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 0,1%, thấp hơn so với mức tăng 0,3% hồi tháng 1/2019.
Nhận xét về kết quả tăng trưởng GDP của Anh, nhà kinh tế trưởng của Deloitte, ông Ian Stewart cho rằng nước Anh đã cho thấy sức chịu đựng bền bỉ của nền kinh tế, mạnh hơn mọi người vẫn nghĩ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và tác động của những bất ổn định do Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu, mang lại.
Canada cân nhắc bổ sung hàng hóa vào danh sách chịu thuế trả đũa
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết nước này đang cân nhắc bổ sung thêm hàng hóa vào danh sách chịu thuế trả đũa để tăng sức ép lên Mỹ, buộc nước này hủy bỏ thuế nhập khẩu nhôm và thép.
Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 8/4, Đại sứ Canada tại Mỹ, David MacNaughton cho biết một số lượng đáng kể hàng nông sản của Mỹ như táo, thịt lợn và rượu vang có thể được bổ sung vào danh sách chịu thuế trả đũa.
WTO ủng hộ Canada về thuế nhập khẩu gỗ mềm
Ngày 9/4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra phán quyết ủng hộ Canada một phần trong tranh cãi với Mỹ về thuế chống bán phá giá đối với gỗ mềm xẻ nhập khẩu từ Canada.
Gỗ xẻ mềm của Canada là một trong những vấn đề gây tranh chấp trong quan hệ thương mại giữa nước này và nước láng giềng phía Bắc trong hơn 3 thập kỷ qua. Hồi tháng 11/2017, Canada đã khiếu nại Mỹ tại WTO sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế nhập khẩu lên tới 18,19% đối với các sản phẩm gỗ xẻ của Canada.
Theo ước tính, hiện có khoảng 230.000 người lao động Canada làm việc trong ngành lâm nghiệp và có tới 70% số gỗ xẻ của Canada xuất sang thị trường Mỹ.
Tỷ phú giàu nhất châu Phi "rót" 400 triệu USD vào dự án xi măng
Tỷ phú giàu nhất châu Phi Aliko Dangote đang lên kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD vào các lĩnh vực chủ chốt tại Zimbabwe nhằm góp phần vực dậy nền kinh tế đình đốn của quốc gia này. Trước mắt, Dangote Group – tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú có tổng tài sản khoảng 10,6 tỷ USD này sẽ đầu tư 400 triệu USD vào dự án xây dựng một nhà máy sản xuất xi măng có công suất hàng năm lên tới 1,5 triệu tấn, dự kiến đạt sản lượng lớn nhất tại Zimbabwe.
Thái Lan sẽ xây mới tuyến đường sắt nối với Campuchia
Bộ Giao thông Thái Lan đang xúc tiến mở một tuyến đường sắt mới kết nối tỉnh cực Đông Sa Kaeo (cách thủ đô Bangkok 200 km) và các khu vực phía Tây Bắc của Campuchia (bao gồm Poi Pet, Sisophon và Battambang) nhằm thúc đẩy thương mại và du lịch.
Bộ trưởng Giao thông Thái Lan cho biết tuyến đường sắt mới dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại và cung ứng dịch vụ trên vùng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.
Mỹ - Trung thống nhất thành lập các cơ quan thực thi thỏa thuận thương mại
Ngày 10/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý phần lớn về cơ chế giám sát bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà hai bên đạt được, bao gồm cả việc thành lập các cơ quan thực thi mới.
Các cuộc thảo luận sẽ được nối lại vào sớm ngày 11/4 theo giờ Washington. Tính đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý khá nhiều về một cơ chế thực thi thỏa thuận thương mại giữa hai bên, cả hai đã đồng ý sẽ thành lập các cơ quan thực thi để giải quyết các vấn đề đang diễn ra và một số vấn đề khác quan trọng với cả hai nước.
Singapore đối phó với việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giảm tốc tăng trưởng mạnh nhất kể từ 28 năm nay. Singapore là nước có đầu tư lớn vào Trung Quốc, vì vậy, sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm.
Trước sự giảm tốc này, Tổ chức xếp hạng thống kê quốc gia Moody’s đã đánh giá Singapore là nước dễ tổn thương thứ ba trong châu Á Thái Bình Dương sau Hongkong và Mông Cổ. Lý do là vì Singapore có nền kinh tế có tăng trưởng dựa vào thương mại hàng hóa; là đầu mối trong chế xuất các sản phẩm điện tử, bán dẫn; đóng vai trò trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics, kho vận của khu vực, trong khi cầu về hàng hóa và sản phẩm của Trung Quốc đối với sản phẩm của các nước lại sụt giảm mạnh.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet