Việt Nam đang thực sự đột phá vượt ngưỡng kỳ vọng, đặc biệt đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang giảm tốc và các nền kinh tế lớn cũng “nín thở” với thương chiến Mỹ-Trung.
Liên tiếp những thông tin tích cực và kết quả về tăng trưởng GDP theo quý của Việt Nam được công bố khiến giới chuyên gia quốc tế cho rằng tiềm năng Việt Nam đã bộc lộ vào những thời điểm thế giới trở nên khó khăn.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương:

Hiện nay xăng dầu là một trong ít các mặt hàng thiết yếu đã được điều hành dần tiến đến cơ chế thị trường. Chúng ta có đến 28 đầu mối kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu trực tiếp xăng dầu và sắp tới sẽ còn tăng lên vì hiện nay chúng tôi đang xét tiếp một số đầu mối nữa để có thể bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đúng theo các quy định nội dung của Nghị định 83/2014 của Chính phủ thì sẽ được phép. Về Quỹ bình ổn xăng dầu, trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, đã đưa vấn đề này ra xem xét rất kỹ và tất cả đều thống nhất trong thời điểm hiện nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên vẫn cần có sự điều hành quản lý của Nhà nước và vẫn cần công cụ để kiềm chế giá.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tính đến ngày 24/9 vừa qua, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thông suốt. Nếu so với con số Tổng Cục thống kê công bố trước đó thì tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (9,52%). Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều Ngân hàng Trung ương liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9/2019, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD.
Tiệm cận chỉ tiêu cao
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,98% - mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây, trong đó riêng quý III ước tăng 7,31%, cao hơn cùng kỳ năm 2018. Động lực tăng trưởng chủ yếu là khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ. Theo đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao, ước đạt 9,36%, đóng góp 52,6% vào tăng trưởng chung, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng chung của ngành và toàn nền kinh tế (ước tăng 11,37%).
Cùng với đó, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 được dự báo không chỉ đạt mà có thể vượt mục tiêu 6,8% của Quốc hội giao.
Một loạt các tổ chức kinh tế lớn cũng giữ những dự báo tích cực của kinh tế Việt Nam. Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và năm 2020 ở mức tương ứng 6,8% và 6,7%. Nắm khá sát diễn biến của kinh tế Việt Nam, hồi tháng 7, Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) cũng cho rằng tăng trưởng GDP cả năm có tể vượt mục tiêu 6,6 – 6,8% của Quốc hội, lên mức 6,96%. UOB, World Bank hay IMF cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức từ 6,5% trong năm nay – tuy thấp hơn chỉ tiêu/ngưỡng 6,8% nhưng vẫn là chỉ số thận trọng mà tích cực khi xét đến các chỉ tiêu tăng trưởng thấp của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhiều lợi thế trước mắt
Trong những nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam vượt sáng so với mọi nền kinh tế khác và đạt kết quả tốt, ngoài “điểm rơi” từ những nỗ lực kiến tạo, cải thiện môi trường kinh doanh và không ngừng gia cố sự vững vàng của nền kinh tế bằng các chính sách tiền tệ - tài khóa thận trọng, phù hợp; Việt Nam được đánh giá có lợi thế từ nội tại với nhu cầu trong nước không ngừng gia tăng. Tiêu dùng nội địa được cho là bù đắp cho sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khiến dù là nền kinh tế có độ mở lớn, những tác động từ các thị trường xuất khẩu với giảm tốc thương mại ở nhiều quốc gia cũng chưa tác động lớn đến Việt Nam. Lạm phát thấp, công ăn việc làm vẫn được tạo ra với các chỉ số PMI theo đánh giá hàng tháng của HSBC dành cho VN luôn đạt điểm tích cực, cho thấy nhu cầu nội địa đang thực sự thúc đẩy nhanh về tăng trưởng.

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Cùng với đó, sự dịch chuyển đầu tư và “khéo léo” chào đón của nền kinh tế có nhân công lao động còn giá thấp đối với các doanh nghiệp đang đi theo làn sóng xoay trục Á đông và “né” căng thẳng thương chiến Mỹ-Trung, cũng được cho là điểm gia tăng lợi thế của Việt Nam. Thể hiện và minh chứng với FDI vào sản xuất, công nghiệp, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, bất động sản... các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - không hề giảm sút.
Tự chủ trong biến động
Trong một cuộc trao đổi cùng DĐDN, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, mọi lợi thế và triển vọng về kinh tế của Việt Nam trước mắt, có vẻ khả quan khi đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu. Nhưng để xét đột phá và bền vững, như mọi nền kinh tế khác, cần tính đến những tác động dài hạn của chuyển động toàn cầu và căng thẳng thương chiến Mỹ- Trung.
Theo đó, có chuyên gia đặt quan điểm dự báo một số hình thức của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vẫn có thể đạt được trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 năm 2020. Nhưng, thỏa thuận thương mại này có khả năng mới chỉ là một thỏa thuận bề nổi. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn phải cần khá lâu nữa mới có thể được giải quyết và có thể còn tiếp tục diễn ra ở các lĩnh vực khác, bao gồm cả việc Bộ tài chính Mỹ “gắn mác” Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ gần đây có thể mở rộng cuộc chiến thương mại & công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc thành một cuộc chiến tiền tệ...
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kế Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các cấp, ngành tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, "Điều đáng nói là không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, đặc biệt lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Đời sống nhân dân chuyển biến rõ nét. Những thành tựu đạt được rất ấn tượng và tự hào trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng nhiều mặt, không thuận của tình hình thế giới, khu vực, nhất là thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo 2 thành phố lớn báo cáo, giải trình, làm rõ thêm tình hình để sớm khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém. “Tuyệt đối là chúng ta không được chủ quan trong 3 tháng cuối năm để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020”.
Nguồn: enternews.vn