Trong ngày thứ 2 trong chuyến công du đến Mỹ, Thủ tướng vừa tham dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam - Mỹ, với sự tham gia của hơn 20 tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn của đôi bên.

 Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ đây là cơ hội tốt để trao đổi về các định hướng, cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là đầu tư về tài chính ngân hàng, lĩnh vực đang có rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Thủ tướng nhìn nhận quy mô thị trường tài chính Việt Nam còn ở mức khiêm tốn nhưng tăng trưởng nhanhvới sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới được cổ phần hóa."Đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Mỹ với những thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, nhất là tài chính ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước...", ông nói trước giới đầu tư Mỹ.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 50 tỷ USD năm 2016, tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trên 10,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của nước này đã có mặt rất sớm ở Việt Nam và đạt nhiều thành công.

Dùng hình ảnh đôi giày Nike để nói về lợi nhuận nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, với 138 triệu đôi xuất khẩu mỗi năm, nếu một đôi giày đó có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, còn 78 USD là Mỹ hưởng.Vì thế ông tin tưởng trong chuyến thăm Mỹ lần này, sẽ có thêm nhiều hợp đồng thương mại được ký, tạo ra khối lượng mại theo hướng cân bằng hơn, phát huy lợi thế mỗi bên.
Xu hướng đó được lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận là không hề mâu thuẫn mà bổ trợ cho nhau, như Việt Nam nhập máy móc thiết bị và một số sản phẩm từ Mỹ, trong khi xuất khẩu sang nước này những sản phẩm mà người Mỹ ưa dùng như cá, tôm, trái cây, giày dép...Ngoài ra, không chỉ có doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam mà nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng đã gõ cửa, đầu tư vào thị trường này.

 

Lãnh đạo các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Mỹ tham dự toạ đàm đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam khi “ngày càng có nhiều cơ hội ở đây".
Ông Charles Kaye - lãnh đạo Warburg Pincus,tập đoàn chuyên đầu tư vào du lịch,chỉ ra điểm thuận lợicủa Việt Nam sau một thời gian rót vốn vào khách sạn Metropol Hà Nội làhạ tầng thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ bán lẻ và chăm sóc sức khỏe, công nghệ mới. "Chúng tôi cũng đang xem xét các cơ hội đầu tư vào các ngành sản xuất và dịch vụ, bởi Việt Nam có lực lượng lao động giỏi và giá nhân công hợp lý’, ông Charles Kaye nói.
Đại diện KKR Global Institute thì cho biết, hãng đang chuẩn bị một quỹ hơn 9 tỷ USD cho đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, một thị trường có dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao và có sức cạnh tranh toàn cầu hấp dẫn.
Ông Alexande Mirza - Tập đoàn Cachet Hotel cho biết cấp dưới vừa đề xuất tuần qua 4 dự án, gồm 2 khách sạn và 2 khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam. "Tôi thấy có nhiều cơ hội trong lĩnh vực du lịch”, ông nói.
Ngay tại cuộc toạ đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp các thắc mắc, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước tham dự tọa đàm cũng đã thể hiện mong muốn trở thành đối tác của các nhà đầu tư Mỹ về các lĩnh vực quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam.
Nhắc lại câu nói của cố Tổng thống Franklin Roosevelt: "Khi tin thì bạn đã đạt được một nửa thành công", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ mới bước qua tuổi 20 - tuổi đủ bản lĩnh, sức trẻ, vượt qua nhiều thử thách và cũng tràn đầy khát vọng, hoài bão, vươn tới những mục tiêu cao đẹp.

Nguồn: Anh Minh/Vnexpress