Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của tình hình đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này. Giới quan sát cho rằng hiện các quan chức Fed đang trong tình trạng “phân cực”.
Trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard và Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ nhằm khắc phục tình trạng lạm phát yếu và tránh một đường cong lợi suất trái phiếu, thì Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, phản đối quyết định hạ lãi suất hồi tháng Bảy của Fed.
Còn Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker chỉ miễn cưỡng ủng hộ quyết định cắt giảm này và cho biết ông muốn giữ lãi suất như hiện tại để theo dõi tình hình hơn nữa.
Đứng giữa hai luồng ý kiến trên, Chủ tịch Fed Jerome Powell có nhiệm vụ cân nhắc những quan điểm và lập luận trái chiều trên để tạo ra sự đồng thuận giữa các nhà hoạch định chính sách.
Điều khiến nhiệm vụ của ông Powell càng thêm khó khăn là kể từ lần giảm lãi suất hồi tháng Bảy, những số liệu kinh tế của Mỹ cũng phát đi nhiều tín hiệu lẫn lộn.
Ngành chế tạo của Mỹ có thể tiếp tục suy yếu thêm và lạm phát vẫn còn khá thấp, ngay cả khi các hộ gia đình tiếp tục chi tiêu và thị trường lao động nói chung vẫn khá “khỏe mạnh”.
Doanh số bán lẻ lạc quan và tiền lương tiếp tục tăng trưởng có thể củng cố quan điểm của một số quan chức Fed rằng các điều kiện kinh tế hiện tại không đủ sức thuyết phục cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Nhưng cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người khác lo ngại về khả năng sản lượng của các nhà máy suy giảm và đầu tư kinh doanh “lao dốc”, qua đó họ ủng hộ việc hạ lãi suất.
Một yếu tố xuất hiện bất ngờ dự kiến sẽ được cân nhắc nhiều trong các cuộc tranh luận là vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia cuối tuần trước. Sự kiện này đã dẫn đến phiên tăng lớn nhất của giá dầu trong hơn hai thập kỷ qua.
Các quan chức Fed có thể coi diễn biến trên là một rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng vốn mong manh của kinh tế Mỹ.
Và nó hoàn toàn có thể dẫn đến hai kịch bản khác nhau: hỗ trợ cho việc Fed nới lỏng chính sách hơn nữa, hoặc trở thành động lực thúc đẩy lạm phát và khiến Fed quyết định giữ nguyên lãi suất như hiện tại.
Giới đầu tư đã đặt cược rất nhiều vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất sâu hơn nữa. Tính đến chiều 16/9, khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tuần này được thị trường ước tính vào khoảng 65,8%.
Các nhà đầu tư nói chung vẫn tiếp tục kỳ vọng Fed sẽ tiến hành một đợt giảm lãi suất nữa vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tình hình hiện rất khó dự đoán. Tại cuộc họp lần này, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ đưa ra quan điểm của riêng họ về triển vọng chính sách lãi suất từ bây giờ cho tới tháng 12.
Hồi tháng Sáu, khoảng một nửa số quan chức Fed dự kiến sẽ có tổng cộng hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, một nửa còn lại cho rằng không cần thiết hạ lãi suất.
Sự chia rẽ khi đó không thực sự ảnh hưởng nhiều tới việc hình thành chính sách của Fed. Song, giới quan sát cho rằng lần này, nó có thể làm tăng thêm những “tín hiệu nhiễu” về triển vọng lãi suất sau cuộc họp mới nhất của Fed.