Quá trình phát triển của Trung Quốc bắt đầu từ cuối những năm 1970 bằng việc chuyển đổi thành thị trường mở cửa hơn. Tiếp đến là thông qua các biện pháp cải cách triệt để, tận dụng lợi thế của lao động giá rẻ, đồng tiền yếu và hệ thống nhà máy để phân phối sản phẩm ra khắp thế giới.
Tất cả đã thay đổi nền kinh tế từ nông thôn suy thoái thành siêu cường thịnh vượng. Trung Quốc dường như đang thẳng tiến tới vị trí số 1 thế giới.
Quốc gia này đang giữ vị trí thứ 2 trên thế giới, với GDP là 13,1 nghìn tỷ USD, vẫn theo sát Mỹ với khoảng cách dần rút ngắn hơn. Các nhà dự báo kỳ vọng rằng mức tăng trưởng thần kỳ 6% trong năm 2020 sẽ giúp đất nước đạt mục tiêu tăng gấp đôi nền kinh tế từ 2011-2020.
Mặt khác, Trung Quốc dường như cũng là quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và đối mặt với vô số thách thức khác để theo kịp tốc độ tăng trưởng. Tương lai phía trước sẽ vô cùng phức tạp.
“Tới đây, Trung Quốc sẽ tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ”, Michael Yoshikami, người sáng lập Destination Wealth Management, cho biết. “Trung Quốc vẫn sẽ có ảnh hưởng trong kinh tế toàn cầu. Nhưng vấn đề là quản lý kỳ vọng với những gì bạn nghĩ sẽ xảy ra”.
Thật vậy, một quốc gia sở hữu sự phát triển đáng ghen tị đối với hầu hết các nơi khác trên thế giới đang chứng kiến, ít nhất là về mặt tương đối, một sự giảm tốc đáng kể. Tăng trưởng đạt đỉnh 14,2% trong năm 2007 nhưng đã giảm xuống dưới 7% mỗi năm kể từ năm 2015, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Tăng trưởng GDP của Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế khác trên thế giới.
Hậu quả từ thuế quan
Công ty của Yoshikami có trụ sở tại San Francisco nhưng ông có nhiều hoạt động kinh doanh đầu tư với Trung Quốc và thường xuyên đến đó. Những gì ông thấy là một quốc gia dẫn đầu về đổi mới giáo dục và công nghệ nhưng chịu áp lực thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu, cũng như chi phí lao động tăng và sản xuất chậm lại.
“Nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 7%. Nó đã tăng trưởng ở mức 14%. Nếu mức tăng trưởng là 6%, vẫn là một con số lớn, nhưng bạn sẽ thấy rất nhiều cảm xúc tiêu cực”, Yoshikami nói. “Nếu bạn nói chuyện với người dân ở Trung Quốc, họ sẽ không lạc quan như 2, 4 hoặc 6 năm trước”.
Một vấn đề lớn là chiến tranh thương mại. Trong khi hai bên có vẻ như sắp đạt được thỏa thuận giai đoạn một về thuế quan, vẫn còn nhiều việc khác phải làm, và sự phân hóa đang được cảm nhận tại nền kinh tế Trung Quốc.
“Người dân tin rằng thuế quan đang làm tổn thương nền kinh tế”, Yoshami nói. “Lạm phát đang tăng. Chi phí thực phẩm cơ bản đã tăng 10% đến 15%. Giá thịt lợn đã tăng 100%. Có người đã thực sự phải thay đổi chế độ ăn uống vì họ đơn giản là không thể mua sản phẩm này nữa”.
“Thuế quan ảnh hưởng rất nhiều”, ông nói thêm. “Người Mỹ sẽ vui mừng vì thỏa thuận. Nhưng Trung Quốc thực sự cần một thỏa thuận”.
Một mặt, Yoshikami nhìn thấy những tiến bộ nhanh và rộng khắp cho phép người tiêu dùng mua hàng hóa trên các ứng dụng như AliExpress vói các sản phẩm giá rẻ mà không tính phí vận chuyển. Người tiêu dùng xếp hàng mua quần jean Levi Strauss và các sản phẩm khác vì họ vẫn chuộng hàng Mỹ như biểu tượng của sức mạnh kinh tế.
Nhưng vẫn còn các rào cản.
Hàng hóa trong thuế quan
Thiệt hại của chiến tranh thương mại với nền kinh tế là rõ ràng và có thể đo đếm được.
Tăng trưởng doanh thu tài chính đã giảm từ 6,2% năm 2018 xuống 3,8% trong năm 2019, trong khi mức tăng thu nhập thuế chỉ xấp xỉ dương sau khi tăng 8,3% trong năm 2018, theo Nomura Global Economics, trích dẫn dữ liệu đến tháng 10. Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu tính đến tháng 11 giảm 0,3% sau khi tăng 9,9% trong cùng kỳ năm trước do cắt giảm hàng xuất khẩu sang Mỹ, giảm 12,5% trong năm 2019 so với mức tăng 8,5% năm 2018.
Nomura cho rằng chính sự sụt giảm xuất khẩu đã lấy mất 1,3 điểm phần trăm từ GDP của Trung Quốc trong năm nay.
“Chúng tôi đã cảnh báo về sự suy giảm tăng trưởng từ giữa năm 2018 và chúng tôi muốn tiếp tục bằng cách kêu gọi sự phục hồi”, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo nói trong một bản dự báo về Trung Quốc năm tới. “Thật không may, chúng ta phải nhắc lại rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa kết thúc và năm 2020 có vẻ sẽ tiếp tục là một năm khó khăn”.
Một trong những trở ngại đối với Trung Quốc theo Nomura là ngành bất động sản chậm lại, ít có cơ hội kích thích, đặc biệt là nới lỏng tín dụng đã thúc đẩy sự tăng trưởng trong năm 2016-17, và các vấn đề vốn vay.
“Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng”, Ting Lu, nhà kinh tế học của Nomura và những người khác viết. “Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo nên thận trọng về tốc độ, phạm vi và hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh, do nợ tăng, bao gồm nợ nước ngoài, thu nhập thấp hơn từ vốn, thặng dư tài khoản vãng lai nhỏ hơn và dự trữ ngoại hối giảm”.
Triển vọng
Phố Wall, dù vậy, nghĩ rằng các sự kiện năm 2020 có thể là một bước ngoặt.
Nhìn xa hơn, có rất nhiều lý do để kỳ vọng rằng Trung Quốc có khả năng đạt tới vị trí số 1 nhờ tiếp tục đẩy mạnh những động lực đã thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trong thập kỷ qua.
Một yếu tố khác là sự xuất hiện của những “siêu đô thị”. Khi quá trình chuyển đổi diễn ra, khoảng 23 trong số các siêu đô thị này sẽ có dân số lớn hơn New York và 5 trong số đó sẽ chứa 120 triệu người, theo dự đoán của Morgan Stanley.
Bằng cách đưa công nhân từ vùng nông thôn vào các đô thị với dân số lớn, các siêu đô thị sẽ giải quyết vấn đề dân số già đang là gánh nặng của nền kinh tế Trung Quốc.
“Chúng tôi tin rằng câu trả lời cho những thách thức này là một giai đoạn đô thị hóa mới với khả năng tạo ra tăng năng suất bằng cách để doanh nghiệp và người lao động tự do hơn trong khi tạo ra sự phối hợp giữa các ngành công nghiệp khác nhau”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo.
Cơ hội đầu tư
Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào công nghệ 5G như một phần của nỗ lực hiện đại hóa và đô thị hóa. Mục đích là các ngôi nhà được kết nối để tự động hóa, trong khi học sinh có thể sử dụng thực tế ảo trong mọi thứ từ dạy kèm trực tuyến đến làm bài tập về nhà.
Về cơ hội đầu tư, Morgan Stanley khuyến cáo khách hàng nên tìm đến trước hết là cơ sở hạ tầng công nghệ, internet vạn vật và phần mềm; sau đó là số hóa các ngành công nghiệp cũ, và thứ ba là các xu hướng siêu đô thị, chú trọng tới các thiết bị thông minh và giáo dục nghề nghiệp trong số các đổi mới khác.
J.P. Morgan Chase khuyên khách hàng nên để ý chạm đáy trong đầu tư công nghiệp, xu hướng theo chu kỳ và các động lực phát triển năm 2020. Công ty khuyến nghị chuyển đổi từ cổ phiếu phòng thủ sang chu kỳ, đặc biệt trong ngành bất động sản, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe.
Goldman Sachs nhìn thấy cơ hội trong các ngành có cùng chu kỳ kinh tế thị trường cũng như các chiến lược công nghệ tập trung vào 5G và một số cổ phiếu tiêu dùng hàng đầu.
Nhưng với Yoshikami, nhà đầu tư Destination Wealth Management, tình hình vẫn chưa thực sự khả quan do một số vấn đề tức thời vẫn chưa được giải quyết.
“Đầu tư vào Trung Quốc là một bước đi nguy hiểm, vì họ đang ở giữa thị trường mới nổi và thị trường phát triển”, ông nói. “Tôi không chắc liệu có nên định giá trong thời điểm này”.

Nguồn: Minh Ngọc/Ndh.vn/theo CNBC