Hiện tại, giá trị Trung Quốc đóng góp vào thương mại toàn cầu đã cao hơn gấp 2 lần so với năm 2003, khi dịch SARS bùng phát. Và tầm ảnh hưởng của quốc gia này lên nền kinh tế toàn cầu đang không ngừng tăng lên.
Một thống kê cho biết nếu như giá trị sản xuất của Trung Quốc sụt giảm 10 tỷ USD, tổng giá trị sản xuất của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ là những quốc gia sẽ cảm thấy sức nóng khi nhiều ngành công nghiệp sẽ phải hứng chịu những tác động lan truyền.
Các doanh nghiệp và người lao động Trung Quốc đã quay trở lại làm việc sau khoảng thời gian nghỉ lễ kéo dài hơn so với dự kiến, gây ra bởi virus corona. Nhưng với tình hình hiện tại, vẫn chưa có thể kết luận được rằng việc các hoạt động đến bao giờ sẽ trở lại bình thường như trước. Nếu như sự gián đoạn này bị kéo dài thêm, kinh tế toàn cầu khó có thể tránh khỏi những thiệt hại đáng kể.
Nikkei, hợp tác với Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, phân tích thống kê sản lượng của nền kinh tế thế giới, công bố bởi Ủy ban châu Âu, và kết luận rằng cứ 10 tỷ USD giá trị sản xuất sụt giảm ở Trung Quốc sẽ khiến cho giá trị sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc ở Hàn Quốc giảm 300 triệu USD.
Hơn thế nữa, nếu nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc giảm sút, giá trị hàng hóa thành phẩm xuất khẩu từ Hàn Quốc đi các nước có thể giảm 200 triệu USD. Tác động kép trên sẽ khiến Hàn Quốc chịu thiệt hại lên đến 500 triệu USD. Nếu như tính tổng tất cả các quốc gia khác có hoạt động thương mại với Trung Quốc, con số thiệt hại này có thể lên đến 6,7 tỷ USD.
Thiệt hại của một số nền kinh tế nếu giá trị sản xuất của Trung Quốc sụt giảm 10 tỷ USD.
Những thiệt hại này có thể còn lớn hơn rất nhiều. Hyundai Motor, là một ví dụ, sản xuất ra 34.000 xe hơi/tuần tại 3 nhà máy ở Hàn Quốc. Một chuyên gia phân tích đến từ một công ty đầu tư Hàn Quốc nhấn mạnh một tuần gián đoạn sản xuất của Hyundai có thể khiến công ty thiệt hại 700 tỷ won (tương đương 587 triệu USD).
Tại Đài Loan, giá cổ phiếu của TSMC, một nhà cung cấp chip cho Apple, và Largan Precision, công ty chuyên sản xuất ống kính camara, đã giảm sâu. Cho dù sản xuất ngay tại Đài Loan, họ vẫn bị ảnh hưởng do Hon Hai Precision Industry, một công ty của Đài Loan, chuyên sản xuất các thiết bị cầm tay cho Apple, lại đặt hoạt động tại Trung Quốc đại lục.
“TSMC cũng như nhiều công ty khác đang rất kỳ vọng vào tình hình kinh doanh khả quan trong năm 2020 khi nhu cầu điện thoại tích hợp công nghệ 5G đang không ngừng tăng lên. Nhưng sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sẽ khiến cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này đổ bể”, theo một chuyên gia phân tích tại một công ty đầu tư Đài Loan.
Samsung Electronics, công ty cung cấp một số linh kiện cho Apple và Huawei, đang phải làm mọi cách để có thể “thoát khỏi” những ảnh hưởng. Giá cổ phiếu của LG Electronics đã giảm 7% tính từ cuối năm 2019.
Là những nền kinh tế nhỏ hơn so với Mỹ và Nhật Bản nhưng Hàn Quốc và Đài Loan lại phải hứng chịu những thiệt hại hết sức to lớn.
Nói như thế không có nghĩa rằng Nhật Bản ngoài cuộc. Honda Motor tiết lộ công ty này sẽ tiếp tục trì hoãn hoạt động sản xuất của nhà máy tại tỉnh Hồ Bắc. Toyota Motor cũng sẽ kéo dài thời gian đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc, điều sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nhà sản xuất Nhật Bản khác.
Việc gián đoạn trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng lên Apple khi công ty này phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung điện thoại thông minh từ Trung Quốc. Điều đó sẽ trực tiếp tác động đến doanh số của hãng điện thoại hàng đầu thế giới này.
Khi những tác động gián tiếp liên quan đến nhiều ngành công nghiệp tại Trung Quốc được tính đến, con số thiệt hại có thể lên đến 65 tỷ USD, gấp 6,5 lần thiệt hại gây ra bởi những tác động trực tiếp.
Tỷ trọng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trên thế giới.
Trung Quốc là một trong những quốc gia hoạt động thương mại tích cực nhất trên thế giới. Theo thống kê từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc chiếm đến 12% khối lượng thương mại toàn cầu, đứng ở vị trí cao hơn so với Mỹ. Trong năm 2003, Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 6% tổng kim ngạch thương mại trên toàn cầu.
Trung Quốc chiếm 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Đài Loan. Còn với Hàn Quốc, con số này là 28%. Nhiều người từng nói rằng, nếu như Mỹ hắt hơi, Nhật Bản sẽ ốm. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc chiếm đến 22% tổng kim ngạch thương mại của Nhật Bản, trong khi, Mỹ chỉ chiếm 15%. Tại Đức, hoạt động thương mại với Trung Quốc cũng chiếm đến 6% tổng kim ngạch. Cả Nhật Bản và Đức đều đã gia tăng thương mại với Trung Quốc kể từ năm 2003.
Các quốc gia mới nổi cũng cảm thấy lo sợ về sự đảo ngược của dòng tiền chảy từ Trung Quốc. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, trừ Hong Kong và Macao, chỉ vỏn vẹn 8,1 tỷ USD vào năm 2003. Nhưng tính đến năm 2018, con số này đã chạm ngưỡng 870 tỷ USD, gấp hơn 100 lần so với hơn 15 năm về trước.
Sự phát triển của nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc có thể thấy rõ nhất tại khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc bắt đầu gia tăng sự hiện diện của mình tại khu vực này từ năm 2003 với điểm đến ban đầu là Malaysia và Indonesia. Tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có thể sẽ có những bước chững lại, và rất có thể, sẽ có sự xáo trộn lớn.

Trọng Đại (Theo Nikkei Asian Review)

Nguồn: Người đồng hành