Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất công bố ngày 11/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của các quốc gia châu Á đang phát triển trong năm 2019 và 2020, viện dẫn tăng trưởng “hạ nhiệt” ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng như hoạt động kinh tế suy yếu trong khu vực. 
Theo đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 và 2020 cho các nước đang phát triển ở châu Á từ lần lượt 5,4% và 5,5% trước đó xuống còn 5,2% cho cả hai năm.
Đối với Trung Quốc, ADB hạ ước tính tăng trưởng của lớn thứ hai thế giới trong năm nay và năm tới xuống lần lượt là 6,1% và 5,8%, từ mức dự báo 6,2% và 6,0% đưa ra hồi tháng Chín. Ngân hàng này đã viện dẫn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như giá thịt lợn tăng cao hơn ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng là những yếu tố chính cho sự điều chỉnh xuống này. 
Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nói rằng trong khi tốc độ tăng trưởng vẫn khá vững chắc ở các nước châu Á thành viên ADB, căng thẳng thương mại kéo dài giữa các cường quốc đã gây thiệt hại cho khu vực và vẫn là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng kinh tế trong dài hạn. 
ADB cũng hạ dự báo cho nền kinh tế lớn nhất Nam Á là Ấn Độ trong các tài khóa 2019 và 2020 từ mức ước tính tháng Chín là 6,5% và 7,2% xuống lần lượt 5,1% và 6,5%. Lý do là vì tình trạng thiếu thanh khoản của các công ty tài chính phi ngân hàng và thị trường lao động ghi nhận mức tăng trưởng khá thấp. 
Tăng trưởng của Đông Nam Á năm nay cũng dự kiến sẽ thấp hơn một chút so với dự báo trước đây, khi các nền kinh tế phụ thuộc nhiều thương mại như Singapore (Xin-ga-po) và Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tình trạng giảm tốc tăng trưởng trên toàn cầu. 
Tuy nhiên, trong khi hầu hết các quốc gia tại Đông Nam Á được giữ nguyên hoặc bị cắt giảm triển vọng tăng trưởng, ADB lại nâng mức dự báo cho Việt Nam trong cả năm 2019 và 2020 từ lần lượt 6,8% và 6,7% lên 6,9% và 6,8%.

Nguồn: H.Thủy/BNEWS/TTXVN