Thái Lan
Thái Lan được coi là một trong những nền kinh tế dễ tổn thương nhất trước dịch COVID-19 do nguồn thu chính từ thương mại và du lịch với Trung Quốc đều bị ảnh hưởng. Du lịch nước ngoài chiếm tới 11% GPD của Thái Lan trong năm 2019. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo số lượng du khách nước ngoài tới nước này có thể giảm 25% trong năm nay do dịch COVID-19. Năm 2019, Thái Lan ghi nhận mức kỷ lục 39,8 triệu lượt du khách nước ngoài, trong đó khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 18 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng chi tiêu của du khách nước ngoài tại Thái Lan.
Theo dự báo của lãnh đạo BoT trong cuộc họp đầu tiên của năm 2020, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể ở dưới mức tiềm năng. Năm 2019, nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của xứ Chùa Vàng đã xuống mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Nếu không có những biện pháp phù hợp, tình hình có xu hướng nghiêm trọng hơn do các ngành sản xuất, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra và nhiều tháng trì hoãn thực hiện ngân sách tài khóa 2020. Các chuyên gia tài chính nhận định, khả năng kinh tế Thái Lan bước vào một đợt suy thoái trong năm 2020 là khá cao. Đây là thách thức đối với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục làm tổn hại đến hàng xuất khẩu của Thái Lan, vốn được dự báo sẽ giảm 2% trong năm 2020. Lĩnh vực chế tạo và việc làm cũng không thể bứt phá, Thái Lan còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Đầu tháng 3/2020, Thái Lan công bố sẽ chi 12,7 tỉ USD kích thích nền kinh tế, dự kiến mang lại lợi ích cho 14,6 triệu người có thu nhập thấp (22% dân số), khoảng 50.000 quỹ nông thôn trên toàn quốc và 3 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 99% tổng số doanh nghiệp cả nước). Biện pháp hỗ trợ này dự kiến sẽ tạo ra 14 triệu việc làm, tương đương 85% tổng số việc làm trên toàn quốc. Ngoài ra hiệp hội Ngân hàng Thái Lan cho biết tất cả những ai mất việc trong khủng hoảng COVID-19 đều được miễn trả góp tiền nhà cho ngân hàng trong một năm.
Ngày 10/3, Ủy ban Kinh tế Thái Lan do Thủ tướng Prayut Chanocha chủ trì thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 100 tỷ Bạt (khoảng 3,2 tỷ USD), sẽ thực hiện trong 2 tháng, dự kiến được sử dụng thông qua các biện pháp như phát hành tiền mặt, các khoản vay linh hoạt và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ thuế, miễn trả cả gốc và lãi trong 1 năm. Các biện pháp sẽ được đệ trình lên nội các xem xét thông qua vào hôm nay (10/3).
Cũng trong ngày 10/3, Nội các Thái Lan đã thông qua các biện pháp của Cục Ngân sách nhằm giảm nhẹ tác động kép từ dịch Covid-19 và hạn hán trên diện rộng đối với nền kinh tế vốn đã ảm đạm do xuất khẩu yếu và đầu tư ít. Các biện pháp này yêu cầu tất cả các cơ quan của chính phủ giảm 10% chi tiêu ngân sách thông qua việc điều chỉnh hoạt động, đồng thời cân nhắc mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng như nhà thầu địa phương trong ngắn hạn. Theo ước tính, việc giảm 10% chi tiêu của các cơ quan chính phủ sẽ tiết kiệm được 200 tỷ baht (6,35 tỷ USD) cho ngân sách năm tài khóa 2020 trị giá 2.390 tỷ baht.
Ngoài ra, Nội các Thái Lan còn đưa ra chính sách giảm đầu tư vào những hàng hóa dùng lâu dài với hạn mức tín dụng ít hơn 1 triệu baht (hơn 30.000 USD) hoặc các tòa nhà với hạn mức ít hơn 10 triệu baht (hơn 300.000 USD).
Thay vào đó, các cơ quan chính phủ được khuyến nghị cân nhắc mua sắm hàng hóa dùng lâu dài hoặc đầu tư vào các tòa nhà mà có thể giúp giảm nhẹ tác động kinh tế từ dịch COVID-19 và hạn hán. Các cơ quan chính phủ cũng được đề nghị cân nhắc lại các kế hoạch đi công tác nước ngoài.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) ngày 21/3 đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, xuống mức thấp kỷ lục - 0,75% nhằm giảm nhẹ tác động lên nền kinh tế, đồng thời củng cố các biện pháp tài chính đã và sẽ được áp dụng. Đây là quyết định cắt giảm lần thứ 4 kể từ tháng 8/2019, được thông qua trong một phiên họp đặc biệt của Ủy ban Chính sách Tài chính (MPC) hôm 20/3. Lần gần đây nhất BoT điều chỉnh giảm lãi suất là hôm 5/2. Ngân hàng này nhận định nền kinh tế Thái Lan 2020 sẽ tăng trưởng với mức độ thấp hơn dự báo trước đó và thấp hơn nhiều tiềm năng do sự bùng phát của Corona cũng như hạn hán.
Trong tuyên bố mới nhất, BoT khẳng định việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ giảm bớt gánh nặng đối với những người đi vay bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và giảm nhẹ những căng thẳng về thanh khoản trên các thị trường tài chính. MPC nhìn nhận rằng dịch COVID-19 trong giai đoạn trước mắt sẽ khắc nghiệt hơn dự kiến và sẽ phải mất thời gian để tình hình trở lại bình thường. Điều này sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế Thái Lan.
BoT cũng đưa ra các khoản thấu chi tín dụng đặc biệt nhằm tăng cường khả năng thanh khoản của các quỹ thị trường tiền tệ hoặc các quỹ tương hỗ thu nhập cố định theo ngày thông qua các ngân hàng thương mại. Ngay sau đó, một loạt ngân hàng khác dưới sự dẫn dắt của Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan đã lập Quỹ ổn định trái phiếu doanh nghiệp (SBSF) trị giá 70 - 100 tỷ baht để hỗ trợ đầu tư chất lượng cao, các trái phiếu mới phát hành của các doanh nghiệp hiện không có khả năng đảo nợ đối với các trái phiếu doanh nghiệp đã đến hạn.
Trong một buổi họp báo khẩn ngày 22/3, Thống đốc BoT Veerathai Santiprabhob cho biết theo kế hoạch khoản cho vay đặc biệt, các ngân hàng thương mại được phép mua các gói đầu tư trong các quỹ thị trường tiền tệ chất lượng cao hoặc các quỹ tương hỗ thu nhập cố định theo ngày bị ảnh hưởng bởi tính thanh khoản thị trường yếu và sử dụng quỹ ủy thác đầu tư cơ sở để làm thế chấp hỗ trợ khả năng thanh khoản từ ngân hàng trung ương.
Ngày 23/3, Thái Lan công bố các biện pháp hỗ trợ cho việc quản trị rủi ro đối với thị trường nợ trở nên dễ bị tổn thương trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các biện pháp được đưa ra bao gồm một quỹ hỗ trợ thanh khoản trị giá 70-100 tỷ baht (2,2 – 3,2 tỷ USD).
Mới đây nhất, ngày 8/4, Thái Lan thông qua gói hỗ trợ kinh tế 1,9 nghìn tỷ Baht nhằm hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực tài chính chịu tác động của Covid-19. Các biện pháp bao gồm hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho dân làng và người nông dân, phục hồi kinh tế địa phương với khoản tiền 1.000 tỷ baht từ các quỹ vay mượn. Trong một biện pháp khác, Ngân hàng Thái Lan sẽ cấp 900 tỷ baht dưới dạng các khoản vay hoặc giãn nợ 6 tháng cho các doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của COVID-19. Thái Lan đã quyết định lùi ngày khai giảng năm học mới đến ngày 1/7 để phòng chống dịch COVID-19.
Giám đốc Vụ Chính sách và Kinh tế thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Don Nakornthab, cho biết, lĩnh vực ngân hàng của nước này đủ mạnh để có thể đối phó với đợt tăng đột biến tiềm năng của nợ xấu và các cuộc tái cấu trúc nợ do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đủ khả năng để triển khai các biện pháp chính thức nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Giám đốc Vụ Chính sách và Kinh tế Don Nakornthab khẳng định, các ngân hàng nước này có đầy đủ nguồn lực vốn trong trường hợp diễn ra tình trạng trả nợ đến hạn và tái cầu trúc nợ ồ ạt hơn.
Không giống như cuộc khủng hoảng Tom Yum Kung năm 1997, tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng Thái Lan hiện nay rất vững mạnh. Theo số liệu của BoT, đến cuối năm 2019, tổng các quỹ vốn của hệ thống ngân hàng đạt mức 2.850 tỷ baht (gần 90 tỷ USD), với tỷ lệ an toàn vốn đạt 19,6% và dự phòng rủi ro cho vay ở mức 701,2 tỷ baht (gần 22 tỷ USD).

Nguồn: VITIC tổng hợp