Đó là tập trung chỉ đạo cân đối sản lượng lương thực, thực phẩm đều trên tất cả các vùng kinh tế - xã hội. Bởi chúng ta cần đề phòng phương án tiêu cực nhất là việc luân chuyển, tiêu thụ tại chỗ sẽ khó khăn.
Đây cũng là lý do tại sao thời gian qua, Bộ luôn chỉ đạo các tỉnh Bắc Trung Bộ dù bị hạn hán nặng nhưng tất cả phải dồn sức vào chỉ đạo để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất; đảm bảo 350.000 ha lúa Mùa của 6 tỉnh Bắc Trung bộ phải được mùa. Tất cả phải triển khai đồng bộ để đảm bảo không chỉ kết cao nhất về sản lượng mà đều hết các vụ, đều các vùng.
Thứ hai, chuẩn bị phương thức để đảm bảo thị trường không chỉ đủ lực mà còn lưu thông thông thoáng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương để tất cả các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đều có dự trữ như quy định; cùng các Bộ, địa phương tăng cường việc dự trữ, đảm bảo trong tình huống xấu nhất
“Do đó chúng ta phải đảm bảo tích cực cả hai nhóm là sức sản cao nhất và phân bổ đúng kế hoạch; dự trữ và có phương thức để làm sao cung ứng với quy mô và kịch bản của dịch để đảm bảo lúc nào cũng chủ động.”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa Mùa và Thu Đông; đảm bảo gieo trồng và thu hoạch lúa, hoa màu trong khung thời vụ tốt nhất; đồng thời theo dõi, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.
Với lúa, đến giữa tháng 7, diện tích đã thu hoạch đạt 3,6 triệu ha, sản lượng khoảng 23,15 triệu tấn thóc. Các địa phương đã gieo cấy được 1,1 triệu ha vụ Mùa; trong đó, các địa phương phía Bắc gieo cấy được 913.200 ha, bằng 95,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 171.500 ha, bằng 97,3%. Hiện nay, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt, diện tích trà lúa sớm đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.
Với vụ Thu Đông, các địa phương đã xuống giống được 317.100 ha, tăng 0,4% so cùng kỳ. Hiện lúa đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng; sinh trưởng và phát triển khá.
Về rau, cây màu, cả nước đã gieo trồng được 764.900 ha ngô, bằng 97,6% cùng kỳ năm trước; 87.400 ha khoai lang, bằng 93,8%; 28.700 ha đậu tương, bằng 90,6%; 146.000 ha lạc, bằng 98%; 849.700 ha rau, đậu, tăng 1,9%.
Khách mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Bên cạnh đó, sản xuất thủy sản, chăn nuôi lợn tiếp tục phục hồi. Sản lượng thuỷ sản ước đạt 783.300 tấn, tăng 1,5% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng, tổng sản lượng ước đạt gần 4,65 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Sản xuất chăn nuôi tăng trưởng tương đối tốt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương đã công bố hết dịch, người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi còn chậm. Tổng đàn lợn giảm 3% so với cùng kỳ (trong khi tháng 6 giảm 7,5%); đàn gia cầm tăng 5,5%; đàn bò tăng 3%.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp rất quyết liệt trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, bởi đây là cơ sở quan trọng cho việc tăng đàn, tái đàn. Bộ đã có những tổng kết và nhân rộng các mô hình về an toàn sinh học, đồng thời thường xuyên nhắc nhở các địa phương làm tốt an toàn sinh học. Đến nay có khoảng 98% số xã đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, việc tái đàn cần có thời gian. Từ tháng 5 đến tháng 9/2019 khi dịch tả lợn châu Phi ở cao điểm, các cơ sở, doanh nghiệp đều không cho phối giống. Đến khoảng tháng 9-10/2019 mới bắt đầu khởi động lại việc này và đến đầu năm 2020 mới có lợn giống. Do vậy, phải mất 6 tháng sau khi có lợn giống thì thị trường mới có sản phẩm từ việc tăng đàn này. Ngành dự kiến cuối năm nay “cung – cầu” về thịt lợn mới có thể cân bằng.

Nguồn: baotintuc.vn