Theo kế hoạch số 94/KH-UBND, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng thí điểm 7 điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân và Như Thanh; triển khai thực hiện trong quý III, IV/2016. Hàng hóa kinh doanh tại điểm bán hàng Việt Nam phải đa dạng về chủng loại, 100% là hàng sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm, ưu tiên các mặt hàng là đặc sản của tỉnh và các sản phẩm sản xuất trong tỉnh; đồng thời phải chấp hành đúng các quy định của nhà nước về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và phải duy trì điểm bán hàng đến hết năm 2020… Việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng điểm bán hàng hóa cố định do Việt Nam sản xuất có uy tín, chất lượng cũng sẽ góp phần kết nối tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là những mặt hàng, sản phẩm do các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp chỉ đạo chương trình và giao Sở Công Thương chủ trì thực hiện, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện có điểm bán hàng tổ chức tại địa phương. Chương trình còn có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh với các sản phẩm, hàng hóa chất lượng… Bà Lê Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Để bảo đảm thực hiện chương trình hiệu quả, trong quá trình xây dựng điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”, nếu có những khó khăn vướng mắc, phát sinh bất hợp lý, các đơn vị phải nhanh chóng báo cáo bằng văn bản, ngành Công Thương sẽ tổng hợp đề xuất, báo cáo lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo, điều hành.

Cùng với những điều kiện cụ thể về tính pháp lý của các doanh nghiệp tham gia, chương trình còn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tiểu thương trên địa bàn đăng ký tham gia thiết lập điểm bán hàng Việt Nam và đăng ký với Sở Công Thương. Các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng điểm bán hàng phải có mặt bằng kinh doanh ổn định tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các khu tập trung đông người. Ưu tiên các địa điểm tại vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, các thị trấn, thị tứ khu vực miền núi… Ngoài địa điểm phù hợp, các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia phải cam kết bằng văn bản, về chất lượng, xuất xứ của hàng hóa cũng như thực hiện đúng quy định chương trình đặt ra.

Tham gia chương trình, các điểm bán hàng được gắn biển “Tự hào hàng Việt Nam” sẽ được hỗ trợ kinh phí làm biển hiệu, in treo băng rôn quanh khu vực điểm bán hàng, mua kê trưng bày hàng hóa (mức hỗ trợ tối đa là 70 triệu đồng/1 điểm bán hàng). Cùng với đó, các ban, ngành trong tỉnh và ngành Công Thương sẽ hỗ trợ kết nối với các nhà sản xuất, cung cấp các sản phẩm hàng hóa và người tiêu dùng tại địa phương…

Để bảo đảm mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2016 (thực hiện đến năm 2020) hiệu quả, các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa và việc sử dụng tài sản của các đơn vị được hỗ trợ. UBND các huyện phối hợp cùng Sở Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần và đột xuất kiểm tra trong các trường hợp cần thiết.

Nguồn: Quang Nguyễn/Báo Công Thương điện tử