Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra ngày 21/1 của Bộ Công Thương dẫn số liệu của Phòng Thương mại Trung Quốc cho biết trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đạt 5,99 triệu tấn, trị giá 8,34 tỉ USD, tăng 28% về lượng và tăng 26% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Riêng tháng 10/2019, nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đạt 366.000 tấn, trị giá 370 triệu USD, giảm 3% về lượng và giảm 2% về trị giá so với 10 tháng năm 2018.
Chủng loại quả nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc 10 tháng năm 2019. Nguồn: Bộ Công Thương/CFNA.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu các loại cherry của Trung Quốc đạt 150.000 tấn, giảm 4% so với cùng kì năm trước. Các thị trường xuất khẩu cherry chính sang Trung Quốc là Chile đạt 129.000 tấn, giảm 4% và Mỹ đạt 14.000 tấn, giảm 2%. Nhập khẩu cherry từ 2 thị trường này chiếm tới 95% tổng lượng cherry nhập khẩu của Trung Quốc.
Đối với quả chuối, Trung Quốc nhập khẩu 1,63 triệu tấn trong 10 tháng năm 2019, tăng 32% so với cùng kì năm 2018. Các nguồn cung chuối chính của Trung Quốc là Philippines đạt 870.000 tấn, tăng 10%, Ecuador đạt 392.000 tấn, tăng 122%, và Việt Nam đạt 235.000n tấn, tăng 98%.
Nhập khẩu chuối từ ba thị trường này chiếm 92% tổng lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc. Nhập khẩu chuối của Trung Quốc từ Đông Nam Á và Nam Mỹ đang có xu hướng tăng do diện tích trồng chuối hạn chế tại thị trường Trung Quốc, cộng với tác động của dịch bệnh trên lá, càng làm giảm nguồn cung.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2018, nhập khẩu chuối của Trung Quốc đạt 1,54 triệu tấn và lượng nhập khẩu trong 10 tháng năm 2019 đã vượt con số trên.
Còn với quả măng cụt, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu măng cụt của Trung Quốc đạt 361.000 tấn, tăng 140%. Các thị trường cung cấp măng cụt lớn nhất cho Trung Quốc là Thái Lan đạt 399.000 tấn, tăng 133% so với 10 tháng năm 2018, Indonesia đạt 18.000 tấn, tăng 650% và Malaysia đạt 4.000 tấn, tăng 73%.
Măng cụt Thái Lan chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ và xuất hiện tại các thành phố lớn ở bờ Đông chỉ trong vòng 5 – 6 ngày sau khi thu hoạch.
Cũng trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu cam của Trung Quốc đạt 427.000 tấn, tăng 12% so với cùng kì năm 2018.
Các nguồn cung cấp cam chính cho Trung Quốc là Ai Cập đạt 191.000 tấn, tăng 107%, Nam Phi đạt 113.000 tấn, giảm 18%, Australia đạt 50.000 tấn, giảm 17%, Tây Ban Nha đạt 42.000 tấn, tăng 52% và Mỹ đạt 29.000 tấn, giảm 52%. Nhập khẩu từ 5 thị trường này chiếm 99,6% tổng lượng cam nhập khẩu của Trung Quốc.
Ngoài ra nhập khẩu kiwi của Trung Quốc đạt 110.000 tấn, tăng 10% so với cùng kì năm 2018. Các thị trường xuất khẩu kiwi chính sang Trung Quốc là New Zealand đạt 83.000 tấn, giảm 4% và Chile đạt 21.000 tấn, giảm 33%.
Trung Quốc nhập khẩu kiwi từ hai thị trường này với lượng chiếm tới 94% tổng lượng kiwi nhập khẩu. Trong những năm gần đây, Ủy ban Kiwi Chile đã triển khai kế hoạch đảm bảo thu hoạch đúng thời điểm, để đảm bảo phân phối kiwi chất lượng cao hơn cho các thị trường quốc tế.
 

Nguồn: vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùn