Theo số liệu mới nhất, khối lượng đầu tư nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã vượt qua tổng khối lượng các công ty nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc.
Khối lượng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã tăng 18,3% lên 145 tỷ USD. Trong khi đó khối lượng các công ty nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc là 135,6 tỷ USD.
Trong bối cảnh tốc độ phát triển nền kinh tế sụt giảm, tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,9% - thấp nhất trong 25 năm, nhiều nhà đầu tư trong nước đã chuyển ra nước ngoài đầu tư. Bên cạnh đó, với thực tế giá thành nhân công ngày một đắt đỏ, nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn mặn mà với thị trường Trung Quốc.
IMF dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay sẽ là 6,3% và năm 2017 sẽ chỉ còn 6%, trong khi mục tiêu của Bắc Kinh là khoảng 7%.
Thủ tướng Lý Khắc Cường từng tuyên bố rằng, tốc độ phát triển chậm sẽ vẫn được chấp nhận nếu Trung Quốc duy trì đủ số việc làm mới được tạo ra.
Tuy nhiên, số lượng thương vụ M&A giữa các công ty Trung Quốc và đối tác châu Âu hoặc Mỹ đã cho thấy nhà đầu tư Trung Quốc không hề "yên tâm" với tốc độ phát triển chậm như vị Thủ tướng của mình.
Một số cái tên được phía Trung Quốc mua lại bao gồm: công ty sản xuất lốp xe Ý - Pirelli, hãng phim Mỹ - Legendary, công ty hạt giống Thuỵ Sĩ - Syngenta và công ty sản xuất robot công nghiệp và các giải pháp tự động hoá nhà máy Đức - Kuka.
"Chúng tôi cho rằng chiến lược thâu tóm ở thị trường bên ngoài có thể giúp các công ty Trung Quốc có được một số yếu tố cao cấp như thiết kế, R&D, marketing và dịch vụ nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu". Đại diện Bộ thương mại Zhang Xiangchen trả lời báo chí hôm thứ 5 vừa qua cho biết.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của các định chế tài chính Trung Quốc cũng tăng đến 26% lên 24,4 tỷ USD.
Tốc độ phát triển nền kinh tế Trung Quốc chậm dần kể từ năm ngoái, song song với quá trình chuyển đổi từ tập trung sản xuất - đầu tư cơ sở hạ tầng sang tiêu dùng - dịch vụ.
Hàng thập kỷ qua, Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chính của quốc gia này. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất đã giảm đáng kể do các công ty nước ngoài chuyển địa điểm sản xuất sang Đông Nam Á.
Những cái tên như CGN, Huawei, Dalian đã trở nên khá quen thuộc tại thị trường nước ngoài. "Dang rộng đôi cánh, hướng ra nước ngoài" đã trở thành kim chỉ nam cho các nhà đầu tư Trung Quốc từ tập đoàn quốc doanh cho đến công ty tư nhân.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng số liệu đầu tư này là giả mạo, bởi nó không chỉ đơn giản là một hình thức đầu tư mà còn là cách để các gia đình giàu có ở Trung Quốc đưa tiền ra nước ngoài. Điều này tác động làm suy yếu nền kinh tế và giảm giá đồng tệ.
Nguồn: Anh Sa/CafeF, Trí thức trẻ/BBC