Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) rồi lan ra khắp thế giới. Đến ngày 8/4, Trung Quốc ghi nhận 81.802 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 3.333 ca tử vong và 77.279 ca hồi phục. Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Vũ Hán suốt 11 tuần qua, và ngày 8/4/2020 mới dỡ bỏ lệnh phong tỏa này.

Trong suốt thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đại lục đã rất nỗ lực đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế - đã bị tê liệt trong suốt tháng 2 và 3/2020 do Covid-19. Các cơ quan quản lý thuế và ngân hàng của Trung Quốc đang phối hợp để tăng cường hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này vào tháng 1/2020, cắt giảm mức lãi suất cho vay chuẩn, đồng thời yêu cầu các ngân hàng trong nước cung cấp những khoản tín dụng với lãi suất thấp, hoãn hay giãn thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất-kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đang đối mặt một cú sốc mới khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nhiều nước áp dụng lệnh phong tỏa trong nước cũng như hạn chế các hoạt động kinh doanh, ngoại thương ...
Theo ước tính của công ty tài chính Nomura Holdings, Trung Quốc có thể mất 18 triệu việc làm liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu trong 1-2 quý tới nếu hoạt động xuất khẩu giảm 30%. Các nhà kinh tế dự báo Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong quý I/2020 trong khi một số ý kiến cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm ít nhất 9% trong quý I/2020, lần sụt giảm đầu tiên trong ba thập niên qua. Trong khi đó, theo một số nguồn tin thân cận, Chính phủ Trung Quốc co thể nâng mức thâm hụt ngân sách dự kiến cho năm 2020 lên mức cao kỷ lục và đang xem xét hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19.
Ngày 6/1/2020, PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại 50 điểm cơ bản (từ mức 13% với các ngân hàng lớn và 11% với các tổ chức cho vay nhỏ hơn áp dụng trước đó) nhằm kéo lãi suất cho vay với khối doanh nghiệp xuống. Động thái đó đồng nghĩa PBoC bơm vào hệ thống tài chính khoảng 800 CNY (115 tỷ USD).
Đầu tháng 2/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất đối với các khoản cho vay trung hạn trị giá 200 tỷ CNY (28,65 tỷ USD) cho các tổ chức tài chính từ 3,25% xuống 3,15%, đồng thời hạn 0,05% lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm xuống 4,75% để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngày 21/2, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo miễn áp thuế bổ sung đối với 65 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 28/2/2020, việc miễn tăng thuế này có hiệu lực 1 năm. Những mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nằm trong diện miễn áp thuế bổ sung gồm có phụ tùng máy bay và trang thiết bị y tế.
Ngày 16/3, PBoC “bơm” tiếp 100 tỷ nhân dân tệ thông qua công cụ cho vay trung hạn một năm nhằm tập trung nhiều hơn vào thanh khoản, đồng thời giữ lãi suất không đổi ở mức 3,15%. Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng có đủ điều kiện, cũng có hiệu lực từ 16/3, sẽ giải phóng khoảng 550 tỷ nhân dân tệ (tương đương 78,57 tỷ USD) thanh khoản trong hệ thống tài chính. Tính chung trong quý I/2020. PBoC đã bơm hàng trăm tỷ CNY vào hệ thống ngân hàng nhằm đảm bảo đủ thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngày 30/3/2020, PBoC giảm lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược (repo) ở mức lớn nhất kể từ năm 2015, trong bối cảnh giới chức nước này đang đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Cụ thể, lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày được giảm từ 2,4% xuống còn 2,2%, mức thấp kỷ lục. Song song đó, PBoC quyết định “bơm” 50 tỷ NDT (7 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày này.
Quý I/2020, các khoản cho vay mới của Trung Quốc đạt gần 7 nghìn tỷ CNY (khoảng 988 tỷ USD), tăng mạnh so với mức 5,81 nghìn tỷ USD của quý I/2019.
Ngày 3/4, PBoC thông báo sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa, qua đó “giải phóng” khoảng 400 tỷ CNY (56,38 tỷ USD) để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, PBoC sẽ giảm tỷ lệ RRR bớt 100 điểm cơ bản theo hai giai đoạn. Theo đó, lần giảm 50 điểm cơ bản đầu tiên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/4 và lần giảm 50 điểm cơ bản tiếp theo sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/5. Đây là lần giảm tỷ lệ RRR thứ ba của Trung Quốc kể từ đầu năm 2020 và cũng là lần giảm thứ 10 kể từ đầu năm 2018, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc do tác động bất lợi của xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc gia tăng.
Ngoài ra, theo PBoC, lãi suất đối với phần vượt mức quy định về số tiền dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Trung Quốc giảm từ 0,72% xuống còn 0,35% và có hiệu lực từ ngày 7/4.
Trung Quốc hiện có khoảng 4.000 ngân hàng nhỏ và vừa. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) Zhou Liang, các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp 7.000 tỷ NDT (989 tỷ USD) tín dụng mới trong quý I/2020. Nhiều công ty tư nhân có quy mô hoạt động nhỏ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền mặt và trải qua giai đoạn sụt giảm dài hơn so với những doanh nghiệp quốc doanh quy mô lớn.
Ngày 8/4, PBoC thông báo sẽ tăng cường nới lỏng chính sách hơn nữa. Cụ thể, sẽ tăng lượng tín dụng và hạ chi phí cho vay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ vốn có vai trò lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm, cũng như tăng chi tiêu tài khóa. PBoC cho biết sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), lượng tiền mặt dữ trữ bắt buộc của các ngân hàng, lần thứ ba trong năm nay và hạ lãi suất trên lượng dự trữ vượt quy định lần đầu tiên kể từ năm 2008.
PBoC sẽ chủ yếu tập trung phối hợp các công cụ chính sách để bơm thanh khoản cho nền kinh tế như RRR và các công cụ cho vay, cùng với những công cụ dựa trên giá cả như lãi suất thị trường và lãi suất cho vay chuẩn (LPR). Một số nguồn tin cho rằng, PBoC có thể hạ LPR vào ngày 20/4, sau khi hạ 20 điểm lãi suất đối với hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày vào ngày 30/3, và giảm lãi suất tiền gửi trong những tháng tới, khi lạm phát giá tiêu dùng được cho là sẽ giảm.
PBoC đã hạ LPR tổng cộng 26 điểm cơ bản kể từ tháng 8/2019 và lãi suất LPR kỳ hạn một năm hiện ở mức 4,05%. Trong khi đó, PBoC đã duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 1,5% kể từ tháng 10/2015. Lạm phát giá tiêu dùng đã ở mức 5,2% vào tháng Hai.
Cũng trong ngày 8/4, Thông tư mới nhất do Tổng cục Thuế cùng Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cho biết, các tổ chức tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp có xếp hạng nộp thuế đủ điều kiện, giảm bớt các căng thẳng tài chính trong việc nối lại hoạt động và sản xuất. Thông tư cũng kêu gọi các tổ chức ngân hàng triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, mở rộng hạn mức tín dung, gia hạn thời hạn của các khoản vay và đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách tạm thời về lùi thời hạn trả nợ.
Nhiều quy định tài chính cũng được nới lỏng, theo đó cho phép các công ty bán tới 30% tổng số cổ phần doanh nghiệp thông qua những đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cao hơn mức 20% áp dụng trước đó.
Từ cuối tháng 1/2020 đến nay, chính quyền trung ương và địa phương đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dữ liệu từ trang mạng Chính phủ Trung Quốc cũng như Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho thấy tính đến ngày 7/3, cấp quốc gia đã ban hành 146 văn bản chính sách; 29 tỉnh thành trên cả nước, ngoại trừ Khu tự trị Tây Tạng, Tân Cương, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Macau và vùng lãnh thổ Đài Loan đã ban hành tới 654 chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp. 800 chính sách này chủ yếu tập trung vào việc giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tăng hỗ trợ tài chính, tăng trợ cấp tài chính và thuế, đồng thời hỗ trợ ổn định công việc và tối ưu hóa các dịch vụ của Chính phủ.
Về mặt hỗ trợ tài chính, Ủy ban Quản lý, giám sát ngân hàng, bảo hiểm Trung Quốc yêu cầu giảm thêm 0,5 điểm phần trăm cho các khoản vay ưu đãi trong năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ; một số tỉnh như Hồ Bắc, Phúc Kiến, Vân Nam còn giảm thêm khoảng 1 điểm phần trăm cho các khoản vay ưu đãi trong năm nay đối với doanh nghiệp nhỏ.
Nhiều địa phương cũng đã kịp thời ban hành những hướng dẫn chi tiết nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách nêu trên. Trong số 654 chính sách do các địa phương ban hành, nhiều chính sách có từ khóa là "quy định cụ thể", "phương pháp", "vận hành".

Nguồn: VITIC tổng hợp