Kinh tế Việt Nam trong 10 tháng/2017 tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực. Nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng cao tạo động lực cho sản xuất, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. Mặc dù vẫn là nền kinh tế chú trọng xuất khẩu nhưng thị trường nội địa của Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn khi tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ phát triển nhanh đạt tỷ trọng 32-35% vào năm 2020.

Theo ông Julien Brun- Tổng giám đốc CEL Consulting, môi trường đầu tư, lãi suất ngân hàng được giữ ở mức thấp cộng với tăng trưởng tín dụng 22% là những điều kiện tốt để doanh nghiệp (DN) vay vốn đầu tư. Trong 10 tháng/2017 đã có 105.125 DN được thành lập mới với tổng vốn hơn 1.022 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% và 43,8% so với cùng kỳ 2016. Mặc dù được tạo điều kiện vay vốn tín dụng nhưng không phải DN nào cũng kinh doanh có lãi. Trong 10 tháng qua trên toàn quốc đã có 52.782 DN phải giải thể.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 bậc so với năm 2016 và hiện đang xếp hạng 68/190. Việt Nam đang xếp hạng cao hơn nhiều nước bạn trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Campuchia, Myanmar, Brunei và Lào. Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn cách khá xa so với Thái Lan (hạng 26), Malaysia (hạng 24), và Singapore (hạng 2)

Trước tình hình kinh tế phát triển thuận lợi, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh và đạt mức kỷ lục 23,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Những dự án đầu tư nổi bật trong năm 2017 phải kể đến như Samsung Display 2.5 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 vốn 2,8 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 vốn 2,07 tỷ USD; Đường ống dẫn khi Lô B- Ô Môn, Kiên Giang 1,27 tỷ USD; Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh 886 triệu USD.

Sản xuất công nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2017 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 9,1% và 5,6%. Vận tải hàng hóa tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng/2017 ước tính xuất siêu 1,23 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, 10 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 20,7%. CEL Consulting cũng đưa ra dự báo trong năm 2018 xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 9- 10% và Chính phủ cũng đặt mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu giữ ở mức dưới 3%.

Mặc dù kinh tế đang trên đà phát triển nhưng Việt Nam vẫn cần quan tâm hơn đến các mục tiêu phát triển bền vững, hiện đang là xu hướng chung của thế giới trước nguy cơ biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu do Đại học Harvard, Tổ chức Hòa Bình Xanh, và Đại học Colorado Boulder đồng thực hiện cảnh báo rằng vào năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm do khí thải từ than đá. Tuy nhiên, môt vài điểm sáng trong bức tranh phát triển bền vững môi trường là các DN nước ngoài đem công nghệ chuyển hóa rác thải thành năng lượng sạch đến Việt Nam. Doranova, tập đoàn năng lượng của Phần Lan đầu tư vào Việt Nam để giúp chuyển hóa các bãi rác thải của TP. Hồ Chí Minh thành năng lượng sạch; Tập đoàn Watrec hiện cũng đang thảo luận các phương án đầu tư để giúp Việt Nam sản suất năng lượng từ chất thải hữu cơ...

Nguồn: Baocongthuong.com.vn