Diễn biến tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI giai đoạn 2014 -2018 và 2 tháng/2019.

tong quan hoat dong xuat nhap khau 2 thang dau nam keo giam nhap sieu

Tháng Tết- hầu hết nhóm hàng sụt giảm kim ngạch
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 2 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 34,1% so với tháng trước; trong đó trị giá xuất khẩu là 13,91 tỷ USD, giảm 37% và trị giá nhập khẩu là 14,67 tỷ USD, giảm 31%.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm là do số ngày làm việc trong tháng 2 ít hơn hẳn so với tháng 1 (do dịp nghỉ tết Nguyên đán nằm trọn trong tháng, hơn nữa tháng 2 chỉ có 28 ngày). Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu so với cùng tháng 2 năm trước vẫn tăng nhẹ 0,6%.
Từ dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng có tới 42/45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực bị sụt giảm kim ngạch so với tháng trước, trong đó có tới 35 nhóm hàng giảm mạnh trên 30%.
Trái với xu thế chung, trong tháng ghi nhận 3 nhóm hàng đạt trị giá xuất khẩu cao hơn tháng trước. Cụ thể, quặng và khoáng sản gấp 2 lần; than đá tăng gấp 5 lần; điện thoại các loại và linh kiện tăng 5,2%.
Ở lĩnh vực nhập khẩu, có tới 48/53 nhóm hàng chủ lực giảm kim ngạch so với tháng trước, trong đó cũng có tới 34 nhóm hàng giảm mạnh trên 30%. Tuy nhiên có 5 nhóm hàng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, đó là sữa và sản phẩm sữa, hạt điều, đậu tương, ô tô nguyên chiếc các loại và phương tiện vận tải và phụ tùng.
Điểm được xem nổi bật nhất trong hoạt động nhập khẩu ở tháng 2 là mặt hàng ô tô nguyên chiếc các loại. Dù là tháng có dịp tết Nguyên đán nhưng nhu cầu về nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại vẫn tăng 9,6% so với tháng trước với tổng lượng xe lên đến 14.134 chiếc. Đây là xu thế trái ngược với các năm trước, thường tháng tết lượng ô tô nhập khẩu giảm mạnh. Đặc biệt, từ khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực (ngày 1/1/2018), đây là tháng có lượng nhập khẩu nhiều thứ 3 (sau tháng 11 và tháng 12 năm ngoái với các con số lần lượt là 14.538 xe và 14.176 xe).

tong quan hoat dong xuat nhap khau 2 thang dau nam keo giam nhap sieu

Diễn biến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2019.

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước cao hơn FDI
Lũy kế hết tháng 2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 72,29 tỷ USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá xuất khẩu là 36,11 tỷ USD, tăng 4,2%; trị giá nhập khẩu là 36,18 tỷ USD, tăng 5,8%. Với kết quả này, kim ngạch 2 tháng đầu năm 2019 đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trước đó. Đồng thời, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 đã tăng 3,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 1,47 tỷ USD và nhập khẩu tăng 1,97 tỷ USD.
Đóng góp quan trọng vào tăng quy mô hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2019 là các nhóm hàng dệt may tăng 488 triệu USD; giày dép tăng 317 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 290 triệu USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 144 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 161 triệu USD.
Tuy nhiên, nhóm hàng lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện bị giảm 576 triệu USD. Ngoài ra nhiều nhóm hàng trong lĩnh vực nông nghiệp như rau quả, cà phê, gạo… cũng bị sụt giảm kim ngạch.
Đối với lĩnh vực nhập khẩu, các nhóm có kim ngạch tăng thêm nhiều có thể kể đến như: Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 667 triệu USD; dầu thô tăng 594 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 570 triệu USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 542 triệu USD; than đá tăng 259 triệu USD…
Trong khi giống như xuất khẩu, nhập khẩu điện thoại và linh kiện giảm 528 triệu USD; xăng dầu giảm 766 triệu USD; phế liệu sắt thép giảm 156 triệu USD…
Về cán cân thương mại, trái với tín hiệu xuất siêu trong tháng 1, tháng 2 cả nước thâm hụt 768 triệu USD. Lũy kế trong 2 tháng đầu năm, nước ta đang bị thâm hụt 64 triệu USD. Tuy nhiên, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đi vào quỹ đạo nhiều khả năng Việt Nam sẽ đạt được thặng dư thương mại ngay từ đầu tháng 3 này.
Trong tháng 2/2019, theo xu hướng chung, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đều giảm mạnh so với tháng trước. Trong đó doanh nghiệp trong nước giảm nhiều hơn. Cụ thể, trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI là 19,02 tỷ USD, giảm 29,5%; của doanh nghiệp trong nước là 9,56 tỷ USD, giảm tới 41,5%.
Một điểm lạc quan trong 2 tháng đầu năm 2019 là tốc độ tăng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục cao hơn tốc độ tăng của doanh nghiệp FDI. Đây là điều khác biệt so với xu thế nhiều năm trước. Bởi, những năm trước đây doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước, nhưng kể từ năm 2018 đã có sự đảo chiều khi doanh nghiệp trong nước vượt doanh nghiệp FDI và xu hướng này vẫn duy trì trong 2 tháng đầu năm 2019.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 26,15 tỷ USD, tăng 9,5%, trong khi đó, xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 46,14 tỷ USD, tăng 2,6%.
Về thị trường xuất khẩu, 2 tháng đầu năm 2019, ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng ở thị trường Hoa Kỳ- thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, với tốc độ tăng tới 36%, cao gấp gần 9 lần tốc tăng trưởng chung của cả nước (cả nước tăng 4,2%).
Ở thị trường lớn khác là Trung Quốc kim ngạch giảm mạnh tới 16%, nhất là sự khó khăn của một số mặt hàng nông sản.
Về nhập khẩu, cùng với sự tăng trưởng nhập khẩu dầu thô, dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận kim ngạch tăng trưởng cao từ Kuwait - quốc gia là một trong những nhà đầu tư nằm trong liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với kim ngạch đạt 627 triệu USD, tăng đến 34 lần so với cùng kỳ 2018 (cùng kỳ chỉ đạt 18,4 triệu USD).
Trong khi tốc độ tăng trưởng ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… ở mức trung bình từ 10% trở xuống, riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc suy giảm nhẹ 3%.
Nguồn: Baohaiquan.vn