Alexander Novak cho biết sản lượng dầu tại Nga (nước có đủ trữ lượng dầu thô để duy trì sản lượng hiện nay trong 50 năm nữa) có thể sụt giảm nếu hệ thống thuế không thay đổi.
Ông Novak phát biểu trong một cuộc phỏng vấn “chúng ta có thuế dầu cao nhất trên thế giới. Trung bình chúng chiếm tới 68 - 70% doanh thu. Như ví dụ trong trường hợp các mỏ dầu Tây Siberia không được giảm thuế, chúng chiếm tới 85%”.
Nga trong một thời gian dài là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới trước khi bị Mỹ vượt qua trong năm ngoái. Sản lượng của Mỹ đã tăng vọt vì sự bùng nổ dầu đá phiến.
Chi phí sản xuất dầu thô tại Nga là cao hơn so với Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chi phí của Nga thấp hơn Mỹ nhờ đồng nội tệ yếu, trữ lượng dễ khai thác và dịch vụ dầu rẻ hơn.
Sản lượng dầu của Nga liên tục tăng bất ngờ trong thập kỷ qua bất chấp dự đoán suy giảm tại các mỏ ở Tây Siberia, nhưng ông Novak cho biết xu hướng tăng này có thể sớm kết thúc.
Ông nói “chúng tôi có trữ lượng lớn nhưng một khối lượng lớn không kinh tế theo cơ chế thuế hiện nay. Cơ chế thuế hiện nay không cho phép chúng tôi nâng sản lượng đáng kể”.
Như nhiều nhà sản xuất dầu khác, Nga phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ dầu thô và khí đốt. Bộ trưởng Tài chính đã nhiều lần phản đối việc giảm thuế với ngành dầu mỏ.
Ông Novak nói “nếu chúng ta không thay đổi cơ chế thuế và không khuyến khích phát triển mỏ dầu mới tại Tây Siberia và Bắc cực, chúng ta sẽ không thể duy trì mức sản lượng hiện tại chỉ trong vài năm nữa”.
Ông cho biết Mỹ có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất như Nga nhờ tín dụng và thuế giá rẻ được đánh thuế chủ yếu vào lợi nhuận của công ty. Tại Nga, thuế trong ngành dầu mỏ dựa trên doanh thu và sản lượng.
Ông nói ông đang đề xuất mở rộng việc sử dụng thuế lợi nhuận thay cho thuế khai thác khoáng sản (dựa trên sản lượng hơn là lợi nhuận của một dự án).
Ông cho biết Nga cũng nên giảm thuế cho việc thăm dò, phát triển những mỏ nhỏ và công nghệ khai thác dầu tiên tiến bằng cách cho phép các công ty khấu hao những chi phí này từ thuế khai thác mỏ.
Các biện pháp như vậy có thể nâng lợi nhuận 3 - 5 USD/thùng, khiến dầu thô của Nga cạnh tranh hơn và đưa sản xuất tăng lên 10 tỷ tấn (73 tỷ thùng) trữ lượng mới ở mức giá hiện nay sẽ tạo ra 4 nghìn tỷ USD cho Nga.
Nga đang giảm sản lượng dầu cùng với tổ chức OPEC kể từ năm 2017. Ông Novak nói việc cắt giảm sản lượng đã cho phép giá duy trì ở mức để khuyến khích đầu tư vào các mỏ mới.
Ông nói trong dài hạn, dầu sẽ ở mức gần 50 USD/thùng vì sự bùng nổ sản xuất tại Mỹ và ở những nơi khác bù cho sự sụt giảm sản lượng của Iran và Venezuela và những sự kiện như cuộc tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia trong tháng trước.
“Mọi người đã quên dầu ở mức 100 USD/thùng. Chúng tôi sống dựa vào giá dầu trong trung hạn giả thiết 50 USD ... Ngân sách của chúng tôi trong năm 2019 dựa vào giá dầu ở mức 43 - 45 USD/thùng”.
Nguồn: VITIC/Reuters