Giám đốc điều hành của hãng sản xuất dầu Saudi Aramco, ông Amin Nasser, cho biết, Bộ Năng lượng Saudi Arabia đã chỉ đạo Aramco nâng công suất sản xuất từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày. “Công ty (Aramco) đang cố gắng hết sức để thực hiện chỉ thị càng sớm càng tốt”, ông Nasser cho biết.
Ngày 10/3/2020, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng lượng cung dầu thô trong tháng 4/2020 lên mức cao kỷ lục nhằm giành lấy thị phần từ tay Nga sau khi Moscow khước từ đề xuất của Saudi Arabia về việc cùng phối hợp hạn chế nguồn cung dầu để đẩy giá lên.
Ngay ngày hôm sau, 11/3/2020, giá dầu Brent giảm 1,2% xuống 36,77 USD/thùng.
Tuyên bố của Saudi Arabia trong ngày 11/3 có thể sẽ đẩy cuộc chiến giá cả với Nga leo thang lên một nấc mới sau khi thỏa thuận giữa OPEC và Nga sụp đổ trong tuần qua.
Trên thế giới, Saudi Arabia có vai trò quan trọng đối với dầu mỏ tương đương một ngân hàng trung ương lớn. Nước này nắm giữ gần như toàn bộ công suất sản xuất dầu dự phòng – có thể cho phép họ nâng sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ những nước khác.
Saudi Aramco là doanh nghiệp quốc doanh. Công ty này sẽ nâng công suất sản xuất dầu thô trong tháng 4 tới lên 12,3 triệu thùng/ngày, tức là cao hơn 300.000 thùng/ngày so với công suất sản xuất tối đa của chính họ.
Sự xung đột giữa Saudi Arabia và Nga về quan điểm sản xuất dầu đã khiến giá dầu thô giảm 25% trong ngày 9/3/2020, kéo chứng khoán Phố Wall và các thị trường chứng khoán khác – vốn đã mất điểm do dịch virus corona - lao dốc theo.
Trong mấy tháng qua, Saudi Arabia bơm khoảng 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường. Ngoài công suất sản xuất bổ sung, họ còn có hàng trăm triệu thùng dầu trong kho dự trữ.
Nga cho biết các công ty đầu mỏ nước này có thể tăng sản lượng thêm 300.000 thùng/ngày, và có đủ khả năng để tăng 500.000 thùng/ngày. Ngay sau thông tin này, đồng rouble và chứng khoán Nga cũng sụt giảm.
Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga (còn gọi là OPEC+) tuần trước đã không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ. Điều đó khiến OPEC đáp trả bằng cách từ bỏ mọi giới hạn sản xuất của chính họ.

Nguồn: VITIC/REUTERS