Trong nước
Từ 15h chiều ngày 19/1, xăng E5 được điều chỉnh tăng 429 đồng/lít. Giá bán trên thị trường không quá 18.672 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 nhưng là lần tăng giá đầu tiên năm nay.
Cùng với xăng E5, dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 430 đồng/lít. Giá bán lẻ trên thị trường ở mức 15.959 đồng/lít.
Giá dầu hỏa tăng 448 đồng/lít, giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 14.560 đồng/lít.
Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 148 đồng/kg, giá bán hiện ở mức 12.765 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh này, giá xăng Ron 95 vẫn chưa nằm trong danh sách các loại xăng dầu được Liên bộ Tài chính - Công Thương công bố giá. Tại các cửa hàng của Petrolimex, giá xăng A95 được doanh nghiệp điều chỉnh tăng nhẹ 290 đồng/lít, lên mức cao nhất là 20.990 đồng/lít.
Theo Liên bộ Tài chính - Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 19/1 là 76,243 USD/thùng với xăng RON 92, là loại xăng để pha chế xăng E5 RON 92.
Ngoài ra, giá giao dịch một số loại xăng khác ở mức 80,214 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 80,569 USD/thùng dầu hỏa; 380,540 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Giá etanol E100 cũng được đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo Công văn số 59/BTC-QLG ngày 19/1 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu, là 14.315 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Trước đó, trong đợt điều chỉnh giá ngày 4/1, tức kỳ điều chỉnh đầu tiên thị trường chỉ còn bán xăng E5 và A95, xăng A95 không được điều hành giá. Bộ Công Thương cho rằng mặt hàng này không có trong danh sách công bố giá cơ sở vì không phải là sản phẩm thông dụng, nên giá do doanh nghiệp cân đối.
Tại đợt điều chỉnh giá này, người tiêu dùng đã phải trả thêm 760 đồng/lít với xăng A95, lên mức 20.690 đồng/lít. Mức giá này tại thời điểm đó cao hơn khoảng 2.000 đồng/lít so với E5 (18.600 đồng/lít).
Chiều tối 11/1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, đã chủ trì cuộc họp với liên Bộ Công Thương - Tài chính, cho ý kiến về việc quản lý, điều hành giá các mặt hàng xăng dầu.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình tiêu thụ xăng E5 RON 92, RON 95, tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 trong quý I, để công bố giá cơ sở phù hợp.
Thế giới
Tuần qua, giá dầu thế giới chấm dứt bốn tuần tăng giá liên tiếp trong bối cảnh mối lo ngại về hoạt động sản xuất gia tăng tại Mỹ vẫn “ám ảnh” các nhà giao dịch trên thị trường.
Tính theo tuần, giá dầu Brent giảm 1,8%; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI - dầu chuẩn Tây Texas) giảm 1,5%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (15/1), giá dầu thế giới được giao dịch gần mức cao nhất 3 năm với giá dầu Brent vẫn ở trên mức 70 USD/thùng, nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga. Tuy nhiên, một vài chuyên gia vẫn cảnh báo về hoạt động khai thác dầu mỏ gia tăng ở Mỹ.
Tới phiên giao dịch ngày 16/1, giá dầu quay đầu đi xuống do hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư, sau đợt tăng mạnh của giá mặt hàng này trong thời gian gần đây. Giá “vàng đen” lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 17/1, do lượng dầu dự trữ của Mỹ được dự đoán sẽ giảm tuần thứ chín liên tiếp.
Tuy vậy, đà tăng không kéo dài và giá dầu quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 18/1 giữa lúc thị trường lo ngại rằng nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác năng lượng của OPEC và Nga sẽ đẩy giá dầu lên, việc lại khích lệ Mỹ gia tăng khai thác và làm tăng nguồn cung trên thị trường.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ sớm vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày trong tháng Hai và 11 triệu thùng/ngày vào năm 2019, qua đó "thách thức" cả những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu như Nga và Saudi Arabia.
Trong phiên cuối tuần (19/1), giá dầu tiếp tục đi xuống do hoạt động bán ra của các nhà đầu tư, trước những lo ngại nguồn cung tại Mỹ gia tăng.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 70 xu Mỹ (1%) xuống 68,61 USD/thùng; còn giá dầu WTI giảm 58 xu (0,9%) xuống 63,37 USD/thùng. Tính theo tuần, giá dầu Brent và WTI giảm lần lượt 1,8% và 1,5%, chấm dứt 4 tuần tăng giá liên tiếp.
Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn dự trữ dầu thế giới đang thắt chặt đáng kể, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC, nhu cầu tiêu thụ đi lên và sản lượng dầu của Venezuela chạm mức thấp nhất trong 30 năm.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cảnh báo rằng tình trạng sản lượng gia tăng tại Mỹ có thể đe dọa sự cân bằng của thị trường.
Thống kê cho thấy sản lượng dầu của Mỹ trong tuần trước đã tăng gần 300.000 thùng/ngày lên 9,75 triệu thùng/ngày.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần này đã giảm 5 xuống 747 giàn khoan, song vẫn cao hơn rất nhiều so với con số 551 giàn khoan cách đây một năm.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Bnews.vn

Nguồn: Vinanet