Ngày 21/2/2018, Liên bộ Công Thương – Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018.
Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h chiều 21/02, giảm giá các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu hỏa giữ nguyên giá bán); riêng mặt hàng xăng RON95 giảm giá bán tối thiểu 400 đồng/lít so với hiện hành.
Liên Bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON92 là 600 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.141 đồng/lít); Xăng RON95, dầu diesel, dầu mazut là 0 đồng/lít; Dầu hỏa 105 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 710 đồng/lít).
Động thái này của nhà điều hành được giải thích nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, hạn chế tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tại kỳ điều hành lần này, dù chưa tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng RON 95, nhà điều hành yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm 400 đồng một lít nhằm tạo khoảng cách hợp lý với các mặt hàng còn lại, nhất là xăng sinh học E5 RON 92.
Sau giảm chi Quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 18.340 đồng một lít; xăng RON 95-III và RON 95-IV có mức giá bán mới lần lượt là 19.980 đồng và 20.180 đồng một lít, và dầu madut 12.528 đồng một kg. Riêng dầu hoả giữ nguyên giá bán 14.560 đồng một lít.
Cũng theo liên bộ Công Thương – Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 21/2 là 73,062 USD/thùng xăng RON92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON92); 76,160 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 78,319 USD/thùng dầu hỏa; 365,734 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S. Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo Công văn số 171/BTC-QLG, ngày 21/2/2018 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 13.821,50 đồng/lít (chưa có thuế VAT).
Ngày 22-2 vừa qua, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, từ ngày 1-7-2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.
Cụ thể, xăng: Khung mức thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít.
Dầu diesel: Khung mức thuế từ 500-2.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 1.500 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Dầu mazut, dầu nhờn: Khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 900 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Mỡ nhờn: Khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/kg. Mức thuế hiện hành là 900 đồng/kg. Đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.
Trong tờ trình Chính phủ dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính lý giải việc đề xuất tăng thuế xăng dầu như trên là do thuế nhập khẩu giảm mạnh.
Hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%.
Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt.
Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.
Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỉ đồng/năm.
Cùng với số thu thuế bảo vệ môi trường tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỉ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách nha nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỉ đồng/năm.

Thế giới
Diễn biến tích cực trong hầu hết các phiên giao dịch tuần qua đã giúp thị trường dầu mỏ ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp. Tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Libya và những nhận định mới đây của quan chức dầu mỏ Saudi Arabia là yếu tố chính đẩy giá dầu đi lên phiên cuối tuần.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 19/2), giá dầu thế giới đã khởi sắc và chạm mức cao nhất trong khoảng hai tuần. Tình hình căng thẳng ở Trung Đông đã phần nào hỗ trợ giá dầu, giữa bối cảnh một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực biên giới giữa Israel và Palestine kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, đà tăng của giá “vàng đen” đã bị ghìm lại bởi báo cáo tuần của Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng lên 798 giàn (thêm 7 giàn) trong tuần trước, con số cao nhất kể từ tháng 4/2015. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2017 số lượng giàn khoan ở Mỹ gia tăng trong bốn tuần liên tiếp.
Sau khi biến động trái chiều trong hai phiên liền sau đó, do lượng dầu dự trữ tại Cushing, Oklahoma - điểm giao hàng lớn về dầu thô kỳ hạn của Mỹ - đã giảm 2,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 16/2 cùng với việc đồng USD mạnh lên, giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent biển Bắc bật tăng trong phiên cuối tuần ngày 23/2.
Thị trường được hỗ trợ bởi việc mỏ dầu El Feel (có sản lượng 70.000 thùng dầu/ngày) tại Libya tạm ngừng hoạt động, làm nguồn cung của nước này bị thu hẹp. Sản lượng dầu mỏ của Libya đã đạt khoảng 1 triệu thùng/ngày, song bất ổn chính trị khiến nguồn cung dầu không ổn định.
Theo John Kilduff, đối tác của công ty quản lý đầu tư Again Capital có trụ sở tại New York, thị trường liên tục được hưởng lợi từ các sự cố gián đoạn về nguồn cung trong vài tháng qua. Trước khi mỏ El Feel của Libya tạm ngừng hoạt động còn có sự cố gián đoạn hoạt động của đường ống dẫn dầu Keystone từ Canada và tuyến đường ống dẫn dầu từ Biển Bắc của nước Anh.
Ngoài ra, nhận định mới đây của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih cũng góp phần hỗ trợ thị trường năng lượng. Ông Khalid al-Falih dự đoán các kho dự trữ dầu trên toàn cầu sẽ tiếp tục giảm, đồng thời khẳng định nỗ lực thắt chặt nguồn cung của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn đang phát huy tác dụng.
Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2018 trên sàn Nymex (Mỹ) tăng 0,78 USD (tương đương 1,2%) lên 63,55 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức tăng trong tuần lên 3,3%. Tuy nhiên, giá mặt hàng này này vẫn giảm 1,8% kể từ đầu tháng Hai đến nay. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tại thị trường London (Anh) tiến 0,92 USD (tương đương 1,4%) lên 67,31 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu này đã vọt khoảng 3,8%.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Bnews,vn, TTXVN,tuoitre.vn

Nguồn: Vinanet