Theo nguồn tin từ Petrolimex, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá tất cả các mặt hàng xăng dầu kể từ 15h ngày 03/02/2018.
Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá sau: Xăng E5 RON92 không cao hơn 18.672 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 15.959 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 14.560 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 12.765 đồng/kg.
Trong 15 ngày qua, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng và đứng ở mức cao. Cụ thể, giá xăng RON92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON92) ngày 2/2/2018 đứng ở mức gần 80 USD USD/thùng. Đây là mức giá xăng RON 92 cao nhất trong 5 năm gần đây.
Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 13.821,5 đồng/lít (chưa có thuế giá trị gia tăng).
Cụ thể, liên bộ quyết định tăng sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Xăng E5 RON92: 1.141 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 857 đồng/lít); Xăng RON95: 400 đồng/lít; Dầu diesel: 678 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 400 đồng/lít); Dầu hỏa: 710 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 460 đồng/lít); Dầu mazut: 320 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 150 đồng/kg).
Như vậy, trong liên tiếp 3 kỳ điều chỉnh, giá xăng dầu liên tục được giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhân dân trước và trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Đối với mặt hàng gas, sau một tháng giữ ổn định, các doanh nghiệp kinh doanh gas tại Tp.HCM ngay từ đầu tháng 2 đã điều chỉnh giảm 1.667 đồng/kg (giá đã bao gồm VAT), tương đương 20.000 đồng/bình 12 kg so với giá tháng trước.
Như vậy, giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng của các thương hiệu như Petro Vietnam Gas, Vtgas, SP, Petrolimex…. dao động ở mức 330.000 đồng/bình 12 kg đến 335.000 đồng/bình 12 kg.
Nguyên nhân giá gas giảm do giá gao dịch gas thế giới bình quân tháng 2/2018 là 525 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng trước đó.
Như vậy, đây là lần giảm giá bán lẻ gas đầu tiên trong năm mới 2018. Ở tháng 1, giá mặt hàng này đã không thay đổi do giá nhập khẩu giữ ở mức ổn định 580 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex lùi 35 xu (tương đương 0.5%) xuống 65.45 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 1%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn mất 1.07 USD (tương đương 1.5%) còn 68.58 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần lên 2.2%.
Tuần này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu tại Mỹ trong tháng 11/2017 đã vượt mốc 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên trong gần 50 năm, qua đó làm dấy lên lo ngại thị trường sẽ trong tình trạng bão hòa dầu thô.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 6 giàn lên 765 giàn, đồng thời ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp và cho thấy các hoạt động khai thác dầu đang gia tăng.
Tariq Zahir, Thành viên quản lý tại Tyche Capital Advisors, lưu ý giá dầu cũng chịu áp lực bởi việc bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Ông Zahir chia sẻ: “Chứng khoán bị bán tháo, vốn thúc đẩy đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, đã khiến hầu hết các thị trường chuyển sang tâm thế né tránh rủi ro”.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn tìm thấy hỗ trợ từ sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC tăng lên mức 138% trong tháng 1/2018, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy.
Các chuyên gia phân tích cho biết nỗ lực tuân thủ thỏa thuận đã giúp đẩy giá dầu thô leo dốc hơn 50% từ giữa năm 2017. Dẫu vậy, giá dầu tăng cao lại khuyến khích các nhà sản xuất dầu từ đá phiến tại Mỹ gia tăng sản lượng, qua đó làm tăng lo ngại về tình trạng dư cung và kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Trong một sự kiện ở Luân Đôn, Ole Hansen của Saxo Bank gần đây đã cảnh báo rằng giá dầu Brent thay vào đó có thể sụt xuống 60 USD/thùng, một phần do đà leo dốc của sản lượng tại Mỹ.
Ngược lại, Goldman Sachs cho biết thị trường dầu có thể đạt được cân bằng cung cầu sớm hơn 6 tháng so với dự kiến, đồng thời nâng dự báo giá dầu Brent.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 mất 1.8% còn 2.054 USD/gallon, đồng thời ghi nhận mức giảm 3.5% trong tuần qua. Hợp đồng xăng giao tháng 3 lùi 1.3% xuống 1.872 USD/gallon, qua đó nâng tổng mức giảm trong tuần lên 2.8%.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 hạ 1 xu xuống 2.846 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã lao dốc hơn 10%.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Vietstock.vn

Nguồn: Vinanet