Kể từ 1/5 nhiều công ty gas đầu mối chốt giá bán lẻ trong nước tăng 10.000 đồng/bình 12 kg (đã có thuế GTGT) do giá nhập khẩu theo phiếu (CP) thông báo ở mức bình quân 502,5 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với tháng 4. Như vậy, giá gas bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng khu vực TP.HCM của một số thương hiệu, loại dùng trong gia đình 12 kg/bình như: Petro Vietnam gas 327.000 đồng, Dầu khí gas 356.000 đồng, Petrolimex gas 334.500 đồng.
Như vậy, kể từ đầu năm đến nay đây là lần đầu tiên giá gas điều chỉnh tăng, trước đó giá gas giảm tổng cộng 30.000 đồng.
Trên thị trường thế giới, đà tăng mạnh phiên cuối tuần đã giúp thị trường năng lượng ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc.
Liên tục trồi sụt từ đầu tuần do chịu sự giằng co bởi một bên là diễn biến liên quan đến thỏa thuận hạt nhân và lệnh trừng phạt Iran, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu từ quốc gia Trung Đông này, còn một bên là đồng USD mạnh, khiến các mặt hàng định giá bằng đồng tiền này trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một phát biểu mới đây cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) năm 2015 - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Tổng thống D.Trump hiện đặt thời hạn chót để các nước châu Âu soạn hiệp định bổ sung cho JCPOA là ngày 12/5 tới, sau đó Washington sẽ chính thức đưa ra quyết định "đi hay ở".
Báo cáo ngày 2/5 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu thô dự trữ của cường quốc này bất ngờ tăng 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/4. Nguồn cung dầu đá phiến Mỹ được cho là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến biến động của giá "vàng đen".
Mặc dù sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang tăng mạnh hơn dự đoán, với mức tăng ước gần 10% (1,4 triệu thùng/ngày) trong năm nay, song giới phân tích cho rằng con số đó vẫn chưa làm chệch đà tăng của giá dầu trong năm nay, giữa bối cảnh nhu cầu dầu đang tăng mạnh.
Tới phiên cuối tuần (4/5), giá dầu dầu ngọt nhe (WTI) và dầu Brent đồng loạt bật tăng ấn tượng do cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Venezuela và khả năng Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran làm dấy lên quan ngại về nguy cơ thu hẹp nguồn cung dầu toàn cầu.
Venezuela và Iran đều là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ. Một cuộc khảo sát do S&P Global Platts tiến hành mới đây cho thấy, sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng Tư đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong một năm.
Cụ thể, trong tháng 4/2018, OPEC đạt sản lượng 32 triệu thùng/ngày, giảm 140.000 thùng/ngày so với mức tương ứng của tháng Ba, phần lớn do đà sụt giảm sản lượng của Venezuela.
Sản lượng dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này chỉ đạt 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng Tư, giảm 80.000 thùng/ngày so với tháng trước đó và giảm 540.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2017.
Kết thúc phiên cuối tuần, tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 1,29 USD (1,9%), lên 69,72 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 26/11/2014. Tính chung cả tuần, giá dầu này tăng 2,4%. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến 1,25 USD (1,7%), lên 74,87 USD/thùng, qua đó nâng mức tăng cả tuần lên 1,5%.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên án việc Mỹ dọa rút khỏi JCPOA, cho rằng các yêu cầu của Mỹ là không thể chấp nhận được. Ông tuyên bố Iran sẽ không đàm phán lại hoặc sửa đổi những điều khoản đã được nhất trí trong các năm qua. Ông còn chỉ trích Mỹ liên tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân khi cản trở các doanh nghiệp trở lại làm ăn tại Iran..
Báo cáo ngày 4/5 của công ty dịch vụ dầu khí Mỹ Co's Baker Hughes cho biết, số giàn khoan đang hoạt động tại nước này đã tăng thêm chín giàn trong tuần qua, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động tại nước này lên 834 chiếc, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Mặc dù chuyên gia phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari từ ngân hàng ANZ (Australia) nhận định rằng giá dầu Brent có khả năng đạt 80 USD/thùng vào cuối năm nay, do bất ổn địa chính trị và nguồn cung bị thắt chặt trên toàn cầu, song nguồn cung dầu tại Mỹ không ngừng tăng cao có thể cản trở “đích đến” này.

Nguồn: VITIC/Bewn.vn, TTXVN

Nguồn: Vinanet