Tại thị trường nội địa, sau 2 lần giảm liên tiếp, ngày 15/11/219 liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần kể từ 15h cùng ngày.
Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 305 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 255 đồng/lít. Như vậy, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 19.507 đồng/lít và 20.796 đồng/lít với xăng RON 95.
Trong khi đó, các loại dầu lại được điều chỉnh giảm. Dầu diesel giảm 94 đồng/lít; dầu hỏa giảm 169 đồng/lít; dầu mazut giảm 575 đồng/kg.
Sau khi giảm, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 15.963 đồng/lít; dầu hỏa là 14.968 đồng/lít; và dầu mazut là 11.942 đồng/kg.
Bảng giá xăng sau khi điều chỉnh tăng

Nguồn: Petrolimex
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít. Trong khi đó, mức trích lập của xăng RON 95 là 300 đồng/lít.
Theo văn bản số 8733/BCT-TTTN ngày 15/11/2019 của Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ 15 giờ 00 cụ thể như sau:

Trong lần gần nhất giá xăng dầu được điều chỉnh là ngày 31/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng dầu.

Xăng RON 95 giảm 350 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 218 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh, giá xăng RON 95 bán lẻ trên thị trường là 19.252 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 20.445 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm 121-299 đồng một lít, kg tùy loại.
Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, trong 15 ngày trước kỳ điều hành ngày 15/11, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có biến động tăng giảm đan xen nhưng chủ yếu là tăng.
Dẫn nguồn tin từ Vietstock.vn, trên thị trường thế giới, giá dầu tăng tuần thứ hai liên tiếp, dầu WTI tăng 0,8%, dầu Brent vọt 1,3%.
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (15/11/2019) để ghi nhận đà tăng trong tuần qua, với sự lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã nâng triển vọng nhu cầu năng lượng, ngay cả khi nhà đầu tư cân nhắc khả năng mâu thuẫn đối với nguồn cung dầu thô, MarketWatch đưa tin.
“Dầu được hỗ trợ bởi sự lạc quan ngày càng tăng rằng thỏa thuận thương mại ‘giai đoạn 1’ với Trung Quốc đang được thực hiện và có thể sớm đạt được, như lời xác nhận của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ông Ross cho biết vào ngày thứ Sáu rằng các cuộc đàm phán hiện đã đến những chi tiết cuối cùng”, Manish Raj, Giám đốc tài chính tại Velandera Energy, nhận định. “Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc đều làm giảm bớt những lo ngại về nhu cầu, và do đó tác động tích cực đến thị trường dầu mỏ”.
Đà giảm 4 tuần liên tiếp của số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Cụ thể, dữ liệu từ Baker Hughes vào ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 10 giàn còn 674 giàn trong tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex tiến 95 xu (tương đương 1,7%) lên 57,72 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 0,8%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn tiến 1,02 USD (tương đương 1,6%) lên 63,30 USD/thùng và tăng 1,3% trong tuần qua.
Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận 2 tuần leo dốc liên tiếp.
Những tiến triển liên quan đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung là trọng tâm chú ý trên thị trường dầu mỏ. Hôm thứ Năm (14/11/2019), Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã đưa ra đánh giá khá tích cực về các cuộc đàm phán, mặc dù với rất ít chi tiết.
Ông Kudlow cho biết những nhà đàm phán đang tiến gần đến một thỏa thuận, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa sẵn sàng ký kết. “Ông Trump chưa sẵn sàng thực hiện cam kết, ông chưa ký cam kết cho giai đoạn 1, chúng ta vẫn chưa có thỏa thuận giai đoạn 1 nào”, ông Kudlow cho hay tại một sự kiện của Hội đồng đối ngoại, Wall Street Journal đưa tin.
Trong khi đó, giá dầu đã suy yếu vào sáng ngày thứ Sáu (15/11/2019) trong thời điểm Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo định kỳ hàng tháng đã nâng dự báo tăng trưởng sản lượng dầu đối với các nước ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). IEA dự báo tăng trưởng nguồn cung các nước ngoài OPEC sẽ tăng lên 2,3 triệu thùng/ngày vào năm tới, cao hơn so với dự báo trước đó là 2,2 triệu thùng/ngày.
IEA được công bố 1 ngày sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 08/11/2019 và sản lượng dầu thô nội địa cộng 200.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, trong báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày thứ Năm (14/11/2019), OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng sản lượng các nước ngoài OPEC.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 12 tiến 1,2% lên 1,635 USD/gallon và nhích 0,08% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 12 cộng 1,6% lên 1.948 USD/gallon. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 1,6%.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 12 tăng 1,6% lên 2.688 USD/MMBtu, nhưng vẫn giảm 3,6% trong tuần qua.
Giá xăng dầu tuần tới sẽ tăng hay giảm trước triển vọng thương mại Mỹ - Trung và mối lo nguồn cung. Thông báo của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross với Fox Business về việc Nhà Trắng có khả năng cao sẽ đạt được thỏa thuận thương mại cuối cùng với Trung Quốc khiến giá dầu thô tăng cao vào cuối tuần này.
Các nhà sản xuất dự kiến chi ít hơn khoảng 4 tỉ USD trong năm 2019 so với năm 2018. Cho đến nay, 21 công ty sản xuất theo dõi bởi Công ty dịch vụ tài chính Mỹ Cowen & Co đã đưa ra kế hoạch chi phí vốn năm 2020 với 15 lần giảm dự kiến, 5 lần tăng và một lần không thay đổi, tổng mức giảm chi tiêu là 13%.
Có giả định rằng Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều dầu thô của Mỹ hơn. Điều đó có đúng hay không sẽ được xác định bởi mức độ cạnh tranh dầu thô với Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu của Trung Quốc.
Ngoài ra, bất kể lệnh trừng phạt của Mỹ, Bắc Kinh có thể không hoàn toàn ngừng mua dầu thô của Iran. Tất cả điều này củng cố niềm tin rằng nhu cầu đối với dầu thô của Mỹ không nhất thiết sẽ tăng chỉ vì một thỏa thuận kí kết với Trung Quốc.
Nguồn: VITIC