Bên cạnh tăng trưởng xuất khẩu khả quan, các doanh nghiệp dệt may đang rất nỗ lực quay về chinh phục thị trường nội địa và thực hiện nhiều chương trình đầu tư nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm xuất khẩu.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân, tháng 7, hầu hết các thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đều có mức tăng trưởng khá. Ngành dệt may đã có thêm 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đưa kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng ước đạt 5,8 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.
Trong đó, thị trường Hàn Quốc có mức tăng cao nhất, tăng đến 80% nhờ giảm thuế theo hiệp định giữa ASEAN với Hàn Quốc. Hiện thị trường Hàn Quốc đang rất thích tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường Mỹ tăng 23%, Nhật tăng 15%, châu Âu tăng 1,5% và các nước ASEAN tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của ngành hải quan, chu kỳ xuất khẩu của hàng dệt may thường bắt đầu tăng trưởng vào quý 2 và đạt mức cao nhất vào quý 3.
Tiếp tục đà tăng trưởng của những tháng đầu năm, những tháng cuối năm, lượng đơn hàng tăng khá mạnh. Theo Bộ Công, nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết quý 3 và cả năm 2010. Nhiều đơn hàng có giá xuất khẩu tăng khoảng 10 -15% so với cùng kỳ năm 2009.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trong tháng 7, ông Ân dự báo, việc thực hiện mục tiêu tổng kim ngạch cả năm là 10,5 tỷ USD không phải là việc khó khăn.
Hiện sản phẩm dệt may Việt Nam chiếm khoảng 2,69% thị phần toàn thế giới. Tại thị trường Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc với thị phần tương ứng là 7,4% và 4%.
Một điểm mới là đến nay Việt Nam không chỉ xuất khẩu mặt hàng dệt may gia công mà những mặt hàng phụ liệu dệt may có lợi thế cũng được các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Đó là mặt hàng sợi đã tiếp cận được thị trường mới Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil...
Năm 2010, ngành dệt may phấn đấu xuất khẩu sợi khoảng 1,8 – 1,9 tỷ USD. Ông Nguyễn Sơn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành sợi hiện nay đang làm ăn rất tốt, lý do là khi kinh tế phục hồi thì những nhu cầu nguyên liệu nói chung như bông xơ, sợi, xơ sợi tổng hợp... đều tăng. Trong khi đó, Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, nên 2 thị trường này đang là lợi thế đối với ngành sợi Việt Nam trong việc tăng xuất khẩu.
Còn bản thân Trung Quốc vốn là một thị trường khổng lồ về nguồn nguyên phụ liệu, nhưng do phát triển quá nóng dẫn đến nhu cầu nguyên liệu quá lớn trong những tháng đầu năm, nên thay vì xuất khẩu sợi, Trung Quốc phải quay sang nhập khẩu sợi từ Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ.
Ông Sơn cho rằng, theo đà hiện nay các doanh nghiệp kéo sợi gần như đang hoạt động 100% công suất nên xuất khẩu sợi năm nay sẽ có tăng trưởng đáng kể, đóng góp chung vào xuất khẩu của toàn ngành.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa
Bên cạnh đà tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm may, lượng vải xuất khẩu cũng không ngừng gia tăng mỗi năm, tuy nhiên kim ngạch mang lại vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của ngành dệt may. Xuất khẩu vải năm 2009 đã đạt trên 400 triệu USD nhưng chủ yếu là xuất vải mộc cho các doanh nghiệp nước ngoài để họ hoàn tất và sau đó bán ra các thị trường, trong đó có cả Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Nguyễn Sơn, do công nghiệp nhuộm hoàn tất của Việt Nam vẫn chưa phát triển nên đã tạo thành “nút thắt cổ chai” gây khó khăn cho ngành, mặc dù sợi và may mặc phát triển rất mạnh nhưng do Việt Nam không hoàn tất được nên khi kéo sợi, dệt vải xong đã phải bán sản phẩm, tất nhiên cũng có giá trị gia tăng nhưng không thật cao do chưa thu hút được đầu tư trực tiếp như may mặc.
Do đó, ông Sơn cho rằng, cần phải có cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư để giải quyết được bài toán xuất khẩu vải mộc, sau đó lại phải nhập vải thành phẩm.
Ông Lê Quốc Ân cho biết thêm, hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang thực hiện nhiều chương trình đầu tư nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm xuất khẩu bằng việc đầu tư sản xuất bông ở trang trại và dự tính sẽ xây thêm 2 khu công nghiệp dệt nhuộm tại Trà Vinh và Thái Bình.
Bên cạnh đó, ngành dệt may còn thực hiện tái cơ cấu, dịch chuyển sản xuất về những địa phương có lao động để ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí, sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.
Chinh phục thị trường nội địa
Ông Vũ Đức Giang - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bên cạnh thị trường xuất khẩu rất khả quan, các doanh nghiệp dệt may đang rất nỗ lực quay về chinh phục thị trường nội địa.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng doanh thu tại thị trường nội địa của ngành đã đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Toàn ngành có  trên 1.500 cửa hàng và đại lý trên khắp cả nước. Đây là hậu phương vững chắc để ngành dệt may có động lực phát triển bền vững, toàn diện.
Theo tính toán, hệ thống siêu thị của Tập đoàn Dệt may, với khả năng thu hút từ vài trăm đến cả ngàn lượt người đến mua mỗi ngày/một siêu thị, đã đạt doanh thu bình quân ở một số siêu thị là khoảng 300 triệu/ngày.
Nhiều doanh nghiệp như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến, Thăng Long... cũng mở thêm các cửa hàng bán sản phẩm, may đo theo nhu cầu khách hàng, đầu tư các cửa hàng bán sản phẩm cao cấp cho người Việt; liên kết với các doanh nghiệp phân phối để thực hiện chuỗi cửa hàng dệt may Việt Nam với cách bài trí nổi bật, bắt mắt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn mở rộng kênh phân phối bán sỉ, bán lẻ, đưa hàng về nông thôn.
Với những kết quả đạt được 7 tháng qua trên cả hai thị trường xuất khẩu và nội địa cùng triển vọng từ các đơn hàng đã ký từ nay đến cuối năm, ông Lê Quốc Ân khẳng định: "Hàng dệt may đang phát triển rất tốt ở thị trường nội địa với mức tăng trưởng từ 15% - 18%. Đối với thị trường xuất khẩu, dù bị suy giảm ở một số thị trường, nhưng doanh nghiệp vẫn đi vững trên cả "hai chân" và giữ được mức tăng trưởng chung cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái".
Theo VOV