JP Morgan  đã nâng dự báo về giá hợp đồng than năm nay lên 90 USD/tấn, tăng 61,7% so với giá 55,65 USD/tấn của năm 2007 và cao hơn 28,5% so với dự báo trước đây do chính họ đưa ra là 70 USD/tấn. JP Morgan cũng tăng mức dự báo về giá than cốc năm 2008 lên 140 USD/tấn, tăng 42% so với giá 98,38 USD/tấn năm 2007 và cũng cao hơn so với mức 120 USD/tấn dự báo trước đây.
Sự tắc nghẽn ở các cảng chuyên chở than đá Vịnh Newcastle và Dalrymple, kết hợp với những vấn đề ở các cảng của Nga và Nam Phi, đã góp phần đẩy giá than đốt nhiệt giao ngay tăng gấp đôi vào cuối năm 2007, lên tới 90 USD/tấn.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2008, những thông tin về việc Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu than đá, Nam Phi xảy ra tình trạng thiếu điện và một số mỏ than Australia buộc phải tạm dừng xuất khẩu sau khi mưa lớn đã đẩy giá than đá giao ngay lên tới kỷ lục 102,75 USD/tấn. Australia, nước xuất khẩu than đá lớn thứ 2 thế giới, đã xuất khẩu 257 triệu tấn than đá trong năm 2007 từ các mỏ than của các nhà khai thác Xstrata Plc , BHP Billiton Ltd và Rio Tinto Ltd.
Nhu cầu than đá tăng lên ở nhiều nền kinh tế mới nổi trong bối cảnh nguồn cung mới hạn chế sẽ hỗ trợ thị trường than đá thế giới năm  nay. Đặc biệt, nhu cầu nhập than vào Ấn Độ tăng mạnh có thể sẽ có ảnh hưởng lớn nhất tới ngành than thế giới. Ấn Độ có kế hoạch đưa vào hoạt động tổng công suất phát nhiệt điện mới là 40-50 gigawatts, ngoài 60 gigawatts hiện nay, tức là có thể sẽ phải nhập khẩu thêm khoảng 80 triệu tấn mỗi năm. Tương tự, hạn hán ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc có thể sẽ làm giảm lượng điện của các nhà máy thuỷ điện  nước này, đồng nghĩa với nhu cầu nhập khẩu than đá cũng sẽ gia tăng vào  năm 2008.
Việc thiếu than ở Trung Quốc đã khiến các nhà máy thuỷ điện phải đóng cửa, và chính phủ nước này đã cho tạm dừng xuất khẩu than đá trong tháng 2 và 3/2008. Vẫn còn chưa biết Trung Quốc có quyết định cho phép xuất khẩu than đá trở lại từ sau tháng 3/2008 hay không. Xuất khẩu ròng than đá Trung Quốc năm 2007 chỉ đạt 2 triệu tấn, giảm mạnh so với 25 triệu tấn của năm 2006. Giám đốc điều hành của Hiệp hội vận chuyển và bán than của Trung Quốc cho biết Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, đã sử dụng nhiều than hơn sản xuất trong năm ngoái và sẽ thiếu hụt cho tới ít nhất năm 2010. Vào năm 2010, tiêu thụ than đá của Trung Quốc sẽ đạt 3,06 tỷ tấn, tăng 10% so với năm 2007, phần tăng hơn này sẽ được đáp ứng bởi sản xuất trong nước từ 2,9 đến 3 tỷ tấn. Nhu cầu tiêu thụ than của Trung Quốc trong năm 2008 được dự báo tăng 5,3% so với 2007, đạt 2,76 tỷ tấn. Trong khi nước này chỉ  sản xuất được 2,58 tỷ tấn, tăng nhẹ so với dự kiến trước đây là 2,52 tỷ tấn. Sản lượng than trong năm 2008 sẽ giảm bởi nhiều yếu tố như nhiều mỏ bị đóng cửa bởi không an toàn, ô nhiễm hoặc thiếu năng lượng. Một số mỏ cũng sẽ phải đóng cửa trong thời gian diễn ra Olympic tại Bắc Kinh trong tháng 8/2008. Nước này có thể nhập siêu tới 18 triệu tấn than trong năm nay. Giá than đá giao ngay tại Bắc Kinh dự báo sẽ ở mức 90 USD/tấn trong cả năm  nay, so với 65 USD/tấn năm 2007, tức là sẽ tăng 39%.
Mặc dù nguồn cung từ Kazakhstan năm nay dự báo sẽ tăng lên, song nguồn cung than đá ở Indonexia và Việt nam sẽ khó tăng bởi nhu cầu trong nước tăng, khiến những nước này phải giảm lượng xuất khẩu.
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ hạn chế xuất khẩu than ở dưới 150 triệu tấn/năm kể từ năm 2009 tới 2015 nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Indonesia cần đảm bảo nguồn cung lớn, ổn định để cung cấp chất đốt cho ít nhất 35 nhà máy điện mới sẽ hoạt động vào năm 2009. Dự kiến năm 2010, chỉ riêng công ty điện nhà nước PLN cũng cần  tới 75 triệu tấn than. Năm 2006 Indonesia sản xuất khoảng 193 triệu tấn than trong đó xuất khẩu 75%.

Nguồn: Vinanet