Giá than sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng do nhu cầu xây mới các nhà máy điện sử dụng than vẫn tăng tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, trong khi một số nước sẽ điều chỉnh giá than hoặc hạn chế xuất khẩu.
 
Ngày 18/11, Chuyên san "Kinh doanh" của Báo Bưu điện Jakarta (Jakarta Post, Indonesia) đã đăng bài nêu dự báo trên.
 
Bài báo này phân tích, từ năm 2011 - 2015, giá than được dự báo sẽ tăng lần lượt từ 95 USD/tấn lên 100, 105, 108, 110 và 115 USD/tấn. Bên cạnh đó, Indonesia, một trong những nước sản xuất than với giá thấp nhất thế giới, cũng sẽ phải điều chỉnh giá bán than vì chi phí sản xuất tăng cao.
 
Tại Hội nghị về than tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), các chuyên gia đã dự báo nhu cầu đối với loại than nhiệt Seaborne sẽ tăng thêm 74%, từ mức 680 triệu tấn năm 2010 lên 1.187 triệu tấn vào năm 2025.
 
Trung Quốc, Ấn Độ là hai nước góp phần làm tăng mạnh nhu cầu về loại than nhiệt và hai nước này chiếm tới 28% thị trường than nhiệt toàn cầu hiện nay.
 
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc hiện đang phải dựa vào than để đáp ứng 80% nhu cầu điện trong nước. Trung Quốc cũng đang lắp đặt thêm 2 nhà máy điện mới chạy bằng than với công suất 500 MW/tuần. Dự kiến vào thập kỷ tới, các nhà máy này sẽ tăng gấp đôi công suất và bổ sung thêm 500 gigawatt điện. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ tiêu thụ tới 43% sản lượng than nhiệt của cả thế giới. Điều này rất có thể gây ra tình trạng mất cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, sẽ đẩy giá than lên cao.
 
Tương tự, tại Ấn Độ, nước hiện tiêu thụ 8% sản lượng than nhiệt của thế giới, được dự báo sẽ tiêu thụ tới 25% loại than này vào năm 2015 để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện của họ, cũng góp phần đáng kể đẩy giá than tăng cao.
 
Việt Nam là nước hiện xuất khẩu 50% sản lượng than, tức là 24 triệu tấn, nhưng con số này được dự báo sẽ giảm chỉ còn 3 triệu tấn. Việc Việt Nam có thể phải giảm khối lượng xuất khẩu than sẽ tạo thêm áp lực lên giá than trên thị trường thế giới.
Theo: chinhphu.vn