Myanmar đang nổi lên như một nhà cung cấp mới đầy tiềm năng trên thị trường thiếc thế giới, và được đánh giá sẽ cùng với Indonesia có ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung và giá cả.

Theo tập đoàn công nghiệp ITRI Limited đóng trụ sở tại St.Albans (Anh), sản lượng thiếc của Myanmar sẽ tăng 12% lên 28.000 tấn trong năm tới, chiếm 10% sản lượng thiếc toàn cầu.

Sự gia tăng này chủ yếu nhờ công ty Pongpipat của Myanmar có kế hoạch mở rộng sản xuất tại mỏ thiếc Heinda ở Tanintharyi, miền Nam Myanmar. Pongpipat hiện xuất khẩu thiếc chủ yếu sang Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.

Giá thiếc trên thị trường giao dịch kim loại London hiện đang dao động quanh mức 19.450 USD/tấn, giảm 13% trong năm nay, mức giảm lớn nhất của mặt hàng này tại đây, chủ yếu do nguồn cung gia tăng mặc dù Indonesia, nhà sản xuất thiếc hàng đầu thế giới, thắt chặt các quy định về xuất khẩu.

Tập đoàn Macquarie Group Ltd. dự đoán tình trạng dư cung thiếc sẽ còn kéo dài sang năm 2016 với sự gia tăng xuất khẩu từ Myanmar - một động thái sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực giảm cung để đẩy giá lên của Indonesia. Cách đây 5 năm, Myanmar xuất khẩu thiếc không nhiều sang Trung Quốc, song điều này đã thay đổi đáng kể trong hai năm trở lại đây.

Chính phủ Myanmar với những cải cách mạnh mẽ của mình đã mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào nền kinh tế của quốc gia 56 triệu dân này, thúc đẩy tăng trưởng bằng cách khai thác các mặt hàng bao gồm năng lượng, kim loại và các sản phẩm nông nghiệp. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự đoán kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng trung bình 8,25%/năm trong vài năm tới nhờ đầu tư và sản lượng khí đốt gia tăng.

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đã thắt chặt quy định về sản xuất - kinh doanh thiếc trong năm ngoái nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu, và từ 1/11 sẽ áp dụng những tiêu chuẩn mới về bao bì, nhãn mác, kích thước và hình dạng để thắt chặt hơn nữa kiểm soát đối với các lô hàng thiếc xuất khẩu. Theo thống kê, năm 2013 Indonesia đã xuất khẩu 91.613 tấn thiếc và con số này năm nay có thể giảm tới 30%.

Timah, nhà sản xuất thiếc lớn nhất Indonesia, hy vọng với những chính sách và biện pháp kiểm soát nguồn cung của Indonesia, giá thiếc sẽ tăng trở lại lên mức 21.000 USD/tấn. Tổng giám đốc Timah, Sukrisno cho biết công ty có kế hoạch xây dựng một nhà máy luyện thiếc ở Myanmar vào năm tới và sẽ hoàn thành nghiên cứu khả thi dự án vào cuối năm nay. Timah đã dành khoảng 8,3 triệu USD cho dự án đầu tư này.

World Bureau of Metal Statistics cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình 13.580 tấn quặng thiếc/tháng trong thời gian từ tháng 1-7/2014, tăng mạnh so với con số 7.906 tấn trong cùng kỳ năm 2013, trong đó xuất khẩu thiếc của Myanmar sang Trung Quốc đã tăng 50% trong tám tháng đầu năm nay, trở thành một trong những nhà cung cấp thiếc chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Nguồn: Vietnmaplus

Nguồn: Vinanet