Trong hội nhập kinh tế và phát triển của thị trường hàng hóa, khi hàng lậu có xu thế giảm dần thì hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại lại có nhiều khả năng gia tăng.

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống sản xuất và buôn bán hàng giả và xác định chống hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm và trách nhiệm của mỗi đơn vị, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa đã tích cực bám sát diễn biến thị trường để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát. Phối hợp với các ngành, các cấp chống hàng giả, gian lận thương mại trên từng lĩnh vực. Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT căn cứ kế hoạch công tác định kỳ để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó tăng cường công tác kiểm tra các mặt hàng thiết yếu liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong Tháng Hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục QLTT tỉnh đã trực tiếp xử lý 167 vụ, thu phạt hành chính 66 triệu đồng. Các cơ sở bị xử phạt chủ yếu vi phạm sử dụng các chất phụ gia trái phép, sản xuất thực phẩm chưa công bố chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa có liên quan đến thực phẩm... Chi cục đã phối hợp với Văn phòng Luật sư và liên ngành kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh xe máy vi phạm sở hữu kiểu dáng công nghiệp trên địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Thọ Xuân. Thông qua công tác kiểm tra đã phát hiện hàng nghìn chi tiết xe máy vi phạm về kiểu dáng công nghiệp và sở hữu trí tuệ. Phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra giống, phân bón, thị trường thuốc tân dược, nhãn mác hàng hóa... lưu thông trên thị trường. Triển khai kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về giá và chống gian lận thương mại. 6 tháng đầu năm 2008, qua công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, nhãn hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm đã phát hiện và xử lý 901 vụ, thu phạt hành chính 733,1 triệu đồng; trong đó xử lý buôn bán hàng giả 71 vụ, thu phạt 200,4 triệu đồng; xử lý về nhãn hàng hóa 830 vụ, thu phạt 532,7 triệu đồng. Tổng giá trị hàng tịch thu 102,5 triệu đồng. Các mặt hàng tịch thu chủ yếu như: rượu giả 605 chai, gas giả 136 bình, chi tiết xe máy vi phạm kiểu dáng công nghiệp 495 chi tiết, nước mắm giả 890 chai, bánh kẹo quá hạn sử dụng 594 gói... Kiểm tra, xử lý 1.086 vụ gian lận thương mại, thu phạt hành chính 193,7 triệu đồng, tổng giá trị hàng tịch thu 33 triệu đồng.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế.  Trong thời gian qua, lực lượng QLTT và các ban, ngành trong tỉnh dù đã đấu tranh quyết liệt, nhưng kết quả vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ và nguyện vọng của người tiêu dùng. Nạn hàng giả diễn ra tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các đối tượng thường lợi dụng điều kiện sống và trình độ dân trí của bà con còn thấp để buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Địa bàn miền núi rộng, lực lượng QLTT mỏng, giao thông đi lại khó khăn nên công tác kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả và gian lận thương mại còn khó khăn. Hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay thường giả theo một tỷ lệ nhất định theo tiêu chuẩn công bố. Tình trạng giả nhãn mác, lợi dụng thương hiệu để làm nhái, làm giả, cạnh tranh không lành mạnh khá phổ biến, đặc biệt là các loại hàng hóa Trung Quốc và hàng giả nhập lậu từ nước ngoài. Thêm vào đó, nhận thức về công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại ở một bộ phận cán bộ còn hạn chế; chưa đầu tư thỏa đáng về thời gian, nhân lực, kiến thức nên bộc lộ nhiều lúng túng, biểu hiện tư tưởng dễ làm, khó bỏ, làm hạn chế hiệu quả đấu tranh...

Công tác chống hàng giả và gian lận thương mại ngoài không những đòi hỏi quyết tâm của lực lượng QLTT mà còn yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ và có sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp toàn thể cán bộ, công nhân quán triệt quyết tâm chống hàng giả và gian lận thương mại. Tới đây, Chi cục QLTT tỉnh sẽ thành lập phòng Phòng chống hàng giả, thông qua đó đưa công tác phòng, chống hàng giả và gian lận thương mại chuyên sâu, toàn diện, thống nhất hơn, tránh tình trạng đấu tranh manh mún, thụ động. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý các mặt hàng thường xuyên có dấu hiệu vi phạm. Phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia công tác tuyên truyền, hội thảo giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và các hòm thư góp ý... để mọi người biết cách phân biệt và chủ động phòng, chống hàng giả và gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

(TTXT TM Thanh Hoá)

Nguồn: Vinanet