Điều được giá; giá rau xanh tăng cao; nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao; muối giảm giá nhẹ.

Điều được giá

Hơn 135.000 ha điều trên toàn tỉnh Bình Phước đang vào vụ thu hoạch chính của năm 2015. Nông dân ở một số địa phương có diện tích trồng điều lớn như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú đang ra sức thu hoạch để kịp bán ra thị trường. Đặc biệt, mặc dù thời tiết năm nay có lúc, có nơi diễn biến bất thường như mưa trái mùa, sương muối và sâu bọ hại vườn điều nhưng bù lại điều được giá bán hơn. Với giá bán dao động từ 24.000 đến 25.000 đồng/kg hạt điều tại vườn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước khuyến cáo các chủ vườn điều trong tỉnh cần chú ý các đối tượng gây hại như bọ xít muỗi, bệnh thán thư, sâu đục thân cành, bọ trĩ. Đối với bọ xít muỗi, các nông dân trồng điều cần sử dụng các loại thuốc Alpha Cypermethrin (FM-Tox 50 EC, Fotox 50 EC); Cypermethrin (Cyperan 5 EC, 10 EC); Thiamethoxam (Actara 25 WG), để phun khi bọ xít muỗi mới xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ.

Đối với bệnh thán thư, nông dân có thể sử dụng những thuốc có hoạt chất như Propined (Antracol 70 WP), các hoạt chất hỗn hợp như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomil gold 68 WP, Rorigold 680 WG). Sâu đục thân cành, sử dụng các loại thuốc có khả năng nội hấp, xông hơi mạnh như Regent 800WG, Vibasudin 50ND, Viphensa 50ND, Bini 58 40ND, pha theo hướng dẫn của nhãn thuốc, dùng xy lanh bơm dung dịch thuốc vào đường hầm. Sau khi bơm thuốc dùng đất sét hoặc bông gòn bịt lỗ đục để diệt sâu non bên trong.
Giá rau xanh tăng cao

Thời tiết mưa nhiều và liên tục, ngoài ra khí hậu đang trong giai đoạn chuyển mùa nên nguồn cung của các loại rau xanh bị ảnh hưởng lớn. Theo đó, giá rau xanh ở Hà Nội đã bị đẩy cao, nhiều loại rau, củ tăng gấp rưỡi thậm chí gấp 2 lần so với trước đó.

Tại nhiều chợ đầu mối và các chợ truyền thống như chợ Ngã Tư Sở, chợ Thành Công, chợ Hoàng Văn Thái, Kim Liên, chợ Hôm… giá các loại rau, củ đã tăng từ 1.000-10.000 đồng so với tuần trước.

Rau cải thảo có giá 18.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; khoai tây tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; xu hào trước chỉ từ 2.000-3.000 đồng/củ nay tăng giá gần gấp đôi lên thành 4.000 đồng/củ, rau bí tăng từ 8.000 đồng/mớ lên 10.000-12.000 đồng/mớ…
Một số loại rau bị ảnh hưởng nặng của thời tiết mưa nhiều đã tăng giá trước đó, nay vẫn tiếp tục tăng trong đợt mưa này như: rau xà lách có giá 20.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg, hành lên 40.000 đồng/kg , rau muống tăng từ 4.000-5.000 đồng/mớ lên 6.000-7.000 đồng/mớ, cải ngọt tăng từ 12.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg...

Các tiểu thương kinh doanh rau củ cũng nhận định, nếu tình hình thời tiết không mưa và ấm dần lên thì giá cả các loại rau sẽ sớm “hạ nhiệt” trở lại khi nguồn cung ổn định hơn.

Giá muối giảm nhẹ

Lượng muối tồn lớn cùng với sản lượng muối tăng đã tác động đáng kể lên giá muối, đặc biệt là đối với khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Giá muối đã giảm nhẹ khiến người làm muối không có lãi.

Cụ thể: Đồng bằng sông Cửu Long có giá muối khoảng 600–1.100 đồng/kg giảm so với mức giá 850-1.400 đồng/kg của tháng Hai; khu vực Nam Trung Bộ: muối thủ công có giá chỉ từ 400–1.200 đồng/kg, muối công nghiệp cũng chỉ có giá 700–1.100 đồng/kg; riêng chỉ có giá muối ở khu vực miền Bắc khá ổn định với mức từ 1.600-2.500 đồng/kg.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã vào chính vụ sản xuất và thời tiết trong tháng ở hai khu vực này thuận lợi nên diện tích và sản lượng muối sản xuất tăng khiến giá muối giảm nhẹ.
Cụ thể, tính đến ngày 20/3, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.802ha, tăng 294ha so với cùng kỳ năm 2014. Trong số đó, diện tích muối thủ công đạt 10.890ha, diện tích muối công nghiệp đạt 3.912ha.

Sản lượng muối cũng đạt khoảng 275.428 tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số đó, so với cùng kỳ năm trước, muối sản xuất công nghiệp tăng mạnh đến 51 % với sản lượng đạt 103.673 tấn, còn muối sản xuất thủ công đạt 171.755 tấn.
Mặt khác, lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất vẫn còn khoảng 167.324 tấn, cụ thể: miền Bắc tồn 15.300 tấn; miền Trung tồn 67.805 tấn; Đồng bằng sông Cửu Long tồn 84.219 tấn.

Nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao

Hơn 15 năm qua, nghề chăn nuôi bò sữa đã và đang phát triển mạnh ở xã Vĩnh Thịnh đem lại hiệu quả kinh tế cao và làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây.

Với giá sữa hiện nay, từ 14.000-15.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, một con cho được 25 – 30 kg sữa.

Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, hiện nay, toàn xã Vĩnh Thịnh có khoảng 800 hộ gia đình nuôi bò sữa, với gần 4.000 con bò sữa, sản lượng sữa trung bình từ 30 đến 35 tấn/ngày. Trừ mọi chi phí, trung bình mỗi con bò sữa cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Mặc dù hiệu quả kinh tế cao nhưng mức đầu tư ban đầu cho việc chăn nuôi bò sữa là không nhỏ. Hiện giá một con bò sữa dao động từ 60 đến 70 triệu đồng. Do đó, để phát triển mô hình này, các hộ chăn nuôi được UBND xã hướng dẫn vay vốn từ nhiều nguồn vay khác nhau và khuyến khích tự chủ động nguồn bò sữa giống. Bên cạnh đó, để đảm bảo đầu ra cho nguồn sữa, chính quyền xã đã hỗ trợ người dân tạo mối liên kết giữa người chăn nuôi và các công ty sữa nên đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định.

Chính quyền xã đã liên kết 2 công ty thu mua sữa là Công ty sữa Vinamilk và Công ty cổ phần sữa Quốc tế. Các công ty này ngày càng tạo mối liên kết chặt chẽ với người chăn nuôi không chỉ về đầu ra của sản phẩm mà còn hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa bệnh dịch cho người chăn nuôi bò sữa.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet