Sầu riêng đầu vụ được giá; giá chanh không hạt tại Hậu Giang tăng mạnh; giá cà phê giảm nhẹ; giá gà bắt đầu tăng;..

Sầu riêng đầu vụ được giá

Nhà vườn các xã ven sông Tiền, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), đang bước vào thời điểm thu hoạch sầu riêng, với giá cao.

Các giống sầu riêng chất lượng cao như Ri6, Mong Thong... đang được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 30.000 đồng/kg trở lên tùy thời điểm, cao hơn cùng kỳ năm trước trên 20%. Với mức giá trên, mỗi hécta sầu riêng cho nguồn thu 300 - 400 triệu đồng.

Sầu riêng được xác định là một trong 7 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Trồng sầu riêng chỉ sau 4 năm tuổi đã cho thu hoạch và 5 - 6 năm năng suất ổn định ở mức 30 - 40 tấn/ha.

Để giúp nhà vườn phát huy lợi thế cây sầu riêng tăng thu nhập, ổn định cuộc sống đồng thời tiến đến làm giàu, tỉnh Tiền Giang qui hoạch các vùng trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến, khuyến cáo tuyển chọn giống tốt có chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 7.000 ha sầu riêng, trong đó có 6.000 ha đang cho trái, tập trung tại các xã nằm ven sông Tiền của huyện Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy. Cùng với thu hoạch nghịch vụ, hiện một số nông dân nhạy bén ở Tiền Giang còn xử lý kỹ thuật để sầu riêng ra trái rải vụ, nhằm cung cấp cho thị trường quanh năm. Do đó, những năm gần đây, giá bán sầu riêng luôn ở mức cao, không còn điệp khúc trúng mùa rớt giá như trước đây.

Giá chanh không hạt tại Hậu Giang tăng mạnh

Gần một tháng qua, giá chanh không hạt tại tỉnh Hậu Giang liên tục tăng, hiện giá chanh loại I lên đến khoảng 50.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với tháng trước, đây cũng là giá chanh cao nhất từ trước đến nay tại địa phương này.

Giá chanh không hạt được thương lái thu mua tận vườn từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, còn giá bán tại chợ gần 50.000 đồng/kg, tăng trung bình từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Dù giá tăng cao nhưng nhà vườn không đủ hàng để bán, dẫn đến thị trường sốt hàng, sốt giá, người trồng chanh vô cùng phấn khởi.

Bà con trồng chanh cho biết, giá chanh không hạt gần đây tăng mạnh do thương lái thu mua xuất khẩu ra nước ngoài, từ đó nguồn cung tăng, khiến khan hiếm hàng đẩy giá tăng cao mỗi ngày. Với giá tăng đột biến như hiện nay ước tính cứ 1.000 m2 chanh không hạt, bà con lợi nhuận từ 70- 90 triệu đồng/năm. Ăn theo giá chanh, thị trường chanh giống cũng tăng thêm 1.000 đồng/cây, hiện giá cây giống ở mức 13.000 đồng/cây.

Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 160 ha chanh không hạt, cho sản lượng khoảng 1.520 tấn quả/năm. Qua đánh giá bước đầu, loại cây trồng này cho hiệu quả kinh tế khả quan, cứu cánh cho nhiều nhà vườn, nhất là hộ ít ruộng đất, hộ nghèo, ít vốn. Cái lợi nhất khi trồng chanh không hạt là sớm cho thu hoạch, cây cho quả quanh năm, thị trường khá ổn định, người tiêu dụng ưa chuộng bởi loại chanh này vỏ mỏng, nhiều nước, độ chua dịu... Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, chanh không hạt phù hợp với thổ nhưỡng, khí khẩu ở vùng đất địa phương này. Người dân có thể trồng chanh không hạt đan xen với loại cây ăn quả khác, đặc biệt là trồng trên diện tích đất vườn tạp, đất kém màu mở. Theo kế hoạch, đến năm 2020 tỉnh Hậu Giang mở rộng diện tích trồng chanh không hạt lên khoảng 600 ha, với sản lượng đạt từ 5.500 – 6.500 tấn quả/năm.

Giá cà phê giảm nhẹ

Hôm nay (8/5), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên có nơi không đổi, có nơi giảm nhẹ 100 đồng/kg xuống 40.700 – 40.900 đồng/kg. Giá cà phê trong nước theo sát thị trường cà phê thế giới.

Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày của Việt Nam, thị trường cà phê trong nước khá trầm lắng. Sức bán ra rất khiêm tốn do các đại lý và người dân giữ lượng cà phê còn rất ít.

Tại cảng TPHCM giá cà phê robusta theo giá FOB sáng nay cũng giảm nhẹ 2 USD xuống 2.060 USD/tấn.

Giá gà bắt đầu tăng

Sau gần một năm trời giá gà giảm xuống tới mức thấp nhất trong 6 năm gần đây, hiện giá gà tại các tỉnh phía Bắc cũng đang tăng.

Tại vùng nuôi gà đồi lớn nhất miền Bắc là Bắc Giang, giá gà đang dao động khoảng 65.000 - 75.000 đ/kg. ở huyện Yên Thế, suốt từ cuối năm 2013 đến nay, giá gà lai mía tại đây luôn ở mức dưới 50.000 đ/kg, có lúc giảm xuống dưới 40.000 đ/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ đau đớn.

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 4, sau khi hết dịch cúm gia cầm, giá gà lai mía nhích dần lên 50-55-60 và bây giờ là 65.000 đ/kg. Với giá này, cứ 1.000 con gà khi bán có lãi 20 - 25 triệu đ, có lúc thương lái mua với giá 75.000 đ/kg, song không có hàng để bán.

Giá đường có thể tăng

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự báo giá đường trong nước có thể tăng trong thời gian tới, sau nhiều lần đưa ra dự báo giá đường giảm trong mấy tháng đầu năm.

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, đang vào mùa hè nên nhu cầu tiêu dùng đường trong nước sẽ tăng, trong khi hoạt động xuất khẩu đường sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vẫn tiếp tục diễn ra.

Thêm vào đó, các nhà máy mía đường đang vào cuối vụ và giá đường trên sàn giao dịch hàng hóa ở Luân Đôn, Anh giao vào tháng 8-2014 đã nhích lên, đạt mức 477 đô la Mỹ/tấn. Tổng hợp những yếu tố trên cho thấy, tiêu thụ đường trong nước sẽ thuận lợi, giá đường sẽ tăng mang lại lợi nhuận cho các nhà máy và cho người trồng mía.

Báo cáo của VSSA cho biết, tính đến tháng 4, tại các nhà máy, doanh nghiệp thương mại vẫn còn tồn kho hơn 690.000 tấn đường, tăng hơn 82.000 tấn so với thời điểm này ngoái.

Giá đường trắng bán tại các nhà máy hiện dao động từ 12.500 -13.600 đồng, giảm 1.300 -1.600 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy vậy, so với tháng trước, giá đường tháng 4 đã tăng thêm từ 200 - 400 đồng/kg, nguyên nhân, theo VSSA, một phần do cước vận tải tăng và đường lậu vào Việt Nam cũng ít hơn.

Nguồn: Vinanet tổng hợp

 

Nguồn: Vinanet