Xuất khẩu cá tra gặp bất lợi về giá và rào cản kỹ thuật, giá cá tra không ổn định làm cho người nuôi cá tra còn gặp khó khăn. Trong khi đó giá tôm thế giới giảm, chi phí đầu vào tăng cũng gây khó cho người nuôi tôm.

Tôm

Giá tôm nguyên liệu trên thị trường đang xuống thấp gần như chạm đáy trong vài năm trở lại đây, khiến người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điêu đứng, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, phải chấp nhận bỏ đầm nuôi tôm.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết, hiện tại tôm sú loại 20 con/kg có giá 255.000 đồng/kg (giảm 45.000 đ/kg); loại 30 con/kg hiện giá 175.000 đồng/kg… Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá chỉ 80.000 đ/kg (cùng kỳ năm trước có giá 110.000 đồng/kg); loại 90 con/kg có giá 85.000 đ/kg…

Nguyên nhân khiến giá tôm xuống thấp do sản lượng tôm nuôi ở một số nước trong khu vực đã phục hồi, nên cung lớn hơn cầu.Trong khi đó, các nhà nhập khẩu không lo chuyện thiếu hàng nên còn chờ đợi, chưa ký hợp đồng nhập khẩu.

Thời gian tới hy vọng giá tôm có thể sẽ tăng, vì nếu xuống thấp nữa thì nông dân sẽ bỏ hẳn con tôm. Vừa qua, diện tích nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL giảm là do thời tiết nóng kéo dài nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngoài ra, giá tôm xuống thấp cũng đang tác động mạnh đến sự phát triển diên tích tôm nuôi.

Hiện người nuôi tôm đang gặp khó khăn do giá tôm trên thế giới giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào như điện, thức ăn, thuốc chữa bệnh cho tôm có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng tháng 5 ước tính đạt 22 nghìn tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cà Mau đạt 7 nghìn tấn, giảm 14,6%; Bình Thuận 5,8 nghìn tấn, giảm 32%; Trà Vinh 1,7 nghìn tấn, giảm 4,6%; Sóc Trăng 1,4 nghìn tấn, giảm 67%. Nuôi tôm sú ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng thu hoạch trong tháng ước tính đạt 25 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Cá Tra

Cá tra hiện đang vào vụ thu hoạch, sản lượng tháng 5 ước đạt 102,1 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Đồng Tháp đạt 31,2 nghìn tấn, tăng 0,2%; Bến Tre đạt 28,1 nghìn tấn, tăng 25%; An Giang đạt 21,7 nghìn tấn, tăng 3,1%; Cần Thơ đạt 14,4 nghìn tấn, tăng 6,7%.

Tuy nhiên, do xuất khẩu gặp bất lợi về giá và rào cản kỹ thuật, giá cá tra không ổn định làm cho người nuôi cá tra còn gặp khó khăn. Giá cá tra nguyên liệu tại Cần Thơ vẫn tiếp tục trầm lắng, hoạt động thu mua cá nguyên liệu yếu, tình hình thả nuôi mới của người dân chậm.

Hiện một số công ty như Agfish, Hùng Vương chào mua cá của các hộ nuôi ở mức từ 21.300 – 21.500 đ/kg khi cá hộ nuôi mua thức ăn đầu vào của Công ty Agfish, Việt Thắng… Các công ty khác còn lại hầu như chưa có động thái hỏi mua cá nguyên liệu.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 5/2015 ước tính đạt 619,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 473 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 69,6 nghìn tấn, tăng 2,2%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 367,4 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 293,3 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 52,3 nghìn tấn, tăng 1,9%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 2424,9 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1118 nghìn tấn, tăng 1,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1306,9 nghìn tấn, tăng 4,2% (khai thác biển đạt 1244 nghìn tấn, tăng 4,4%). Sản lượng cá ngừ đại dương 5 tháng đầu năm ước tính đạt 10,5 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Bình Định đạt 4,2 nghìn tấn, tăng 4%; Phú Yên đạt 3,1 nghìn tấn, tăng 12%; Quảng Ngãi đạt 1,8 nghìn tấn, giảm 10,7%.

Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất, cung cấp khoảng 80-85% tổng sản lượng cá tra trên toàn thế giới. Giai doạn 2009-2013, thị trường chính của Việt Nam chủ yếu là EU và Mỹ, trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ ngày càng tăng thì ngược lại xuất khẩu sang thị trường EU càng thu hẹp.

Hương Nguyễn

Nguồn: Vinanet/Agrominitor

Nguồn: Vinanet