Australia chính thức cho phép nhập khẩu trái vải của Việt Nam; Vải thiều Việt Nam có “visa” vào thị trường Australia; Diễn đàn hợp tác khoáng sản bền vững Việt Nam – Australia; Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia trong quý 1/2015 ... là nhừng nội dung chính trong bản tin tháng 4 của Thương vụ Australia.

Australia chính thức cho phép nhập khẩu trái vải của Việt Nam

Bộ Nông nghiệp Australia vừa có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam kể từ ngày 18/4/2015. Đây là kết quả sau nhiều năm đàm phán giữa Việt Nam và Australia và một trong những kết quả từ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Australia là một trong những nước có các qui định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, trái vải là loại trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu. Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Australia sẽ đồng thời mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài…

Theo văn bản của Bộ Nông nghiệp Australia gửi Cục Bảo vệ thực vật, kể từ ngày 18/4/2015, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể chính thức xin giấy phép nhập khẩu với cơ quan kiểm dịch thực vật của Australia để ký kết các hợp đồng thương mại.

Vải thiều Việt Nam có “visa” vào thị trường Australia

Bài trả lời phỏng vấn Báo Nông thôn ngày nay của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị

Sau 12 năm đàm phán với những nỗ lực không ngừng của nhiều bộ, ngành và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, cuối cùng vải thiều Việt Nam cũng đã được cấp “visa” vào Australia, xin Đại sứ cho biết rõ hơn về quá trình đàm phán và những khó khăn của phía Việt Nam?

Ngày 12/9/2003, Việt Nam đã chính thức nộp đơn đề nghị Australia cho phép Việt Nam xuất khẩu trái vải tươi vào thị trường nước này. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, Australia là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch thực vật vào loại nghiêm ngặt nhất thế giới. Trên thực tế, mới chỉ có một số nước châu Á có điều kiện tiếp cận thị trường Australia cho mặt hàng hoa quả và quá trình đàm phán thường kéo dài rất nhiều năm.

Sau khi nhận được đề nghị chính thức của phía Việt Nam, Australia phải tiến hành nghiên cứu, đánh giá rủi ro đối với trải vải Việt Nam theo quy định. Quá trình đánh giá phải minh bạch, có sự tham khảo ý kiến của các nhà trồng vải Australia. Cụ thể Bộ Nông nghiệp Australia phải công khai về lý do tại sao chấp thuận đề nghị của Việt Nam, liệu trái vải Việt Nam có ảnh hưởng tới ngành trồng vải của Australia hay không, phương pháp tiến hành đánh giá dựa vào cơ sở nào, báo cáo tình hình về sâu bệnh dịch hại đối với trải vải, vấn đề kiểm dịch…

Kể từ khi nêu vấn đề với Australia, các Bộ ngành có liên quan cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với phía bạn, đề nghị Australia đẩy nhanh quá trình đánh giá và xem xét việc cấp phép nhập khẩu đối với trái vải Việt Nam. Mặt khác, bản thân chúng ta cũng cần nhiều thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn do phía Australia đặt ra.

Năm 2012, đoàn chuyên gia của Australia sang Việt Nam để kiểm tra, khảo sát vùng trồng vải, cơ sở đóng gói, cũng như làm việc với các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương về các nội dung liên quan tới quản lý dịch hại tại vườn trồng và tiềm năng xuất khẩu sản phẩm. Trên cơ sở đó, phía Australia đã hoàn thành báo cáo kết quả quy trình đánh giá rủi ro và đưa ra kết luận trái vải Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Australia với một số điều kiện kiểm dịch theo quy định của bạn.

Diễn đàn hợp tác khoáng sản bền vững Việt Nam – Australia

Cơ quan Thương mại Chính phủ Australia (Austrade) phối hợp với Hiệp hội các Doanh Nghiệp Thiết bị, Công nghệ và Dịch vụ Khai khoáng Australia (Austmine) vừa qua đã tổ chức chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội và, Quảng Ninh cho đoàn doanh nghiệp Australia từ ngày 19 đến 20/3/2015. 13 doanh nghiệp chuyên ngành thiết bị, công nghệ và dịch vụ khai khoáng của Australia đã tham dự.

Ngày 19/3/2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã khai mạc Diễn đàn Hợp tác Khoáng sản Bền vững được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp cập nhật những thông tin mới nhất về chính sách phát triển ngành khoáng sản Việt Nam từ đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và Tổng cục Địa chất Khoáng sản. Đồng thời, với gần 200 năm kinh nghiệm trong ngành khai khoáng tại những vùng khắc nghiệt nhất trên thế giới, các công ty Australia cũng đã chia sẻ những kiến thức và chuyên môn về kĩ thuật và công nghệ khai khoáng, các giải pháp khai thác hiệu quả và bền vững của Australia. Diễn đàn cũng mở rộng cơ hội hợp tác song phương giữa Việt Nam và Australia trong ngành thiết bị, công nghệ và dịch vụ khai thác mỏ.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã đón tiếp đoàn Doanh nghiệp Australia tại Quảng Ninh vào ngày 20/3/2015. Tại đây đoàn đã gặp gỡ với 31 đơn vị khai thác mỏ và thảo luận về những vấn đề khó khăn cũng như cơ hội trong quá trình hoạt động. Đoàn doanh nghiệp Australia cũng đã đến thăm mỏ than Núi béo và công ty chuyên về cơ khí của Tập đoàn Vinacomin.

Bên cạnh các chương trình chính nêu trên, Austrade cũng đã giúp kết nối các doanh nghiệp Australia và Việt Nam trao đổi sâu hơn về nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam cũng như những sản phẩm, dịch vụ và kỹ thuật tiên tiến của Australia.

Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia trong quý 1/2015

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý 1/2015, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt 1,22 tỷ USD tăng 2,5% so với quý 1/2014, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 742,86 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 475,84 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Australia

Sau hai tháng liên tục sụt giảm kim ngạch xuất khẩu (tháng 1 giảm 20,7%, hai tháng đầu năm giảm 10,7% so với cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia bắt đầu đà tăng trở lại. Xuất khẩu tháng 3 năm 2015 tăng 25% so với tháng 2 và tăng 1,2% so với cùng kỳ 2014. Kim ngạch xuất khẩu quý 1/2015 tăng chủ yếu do các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện, điện tử tăng 224,6% điện thoại các loại và linh kiện tăng 99,8%, máy mọc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 93,4%, kim loại thường khác và các sản phẩm tăng 61,9%, hạt tiêu tăng 59,6%, giày dép các loại tăng 50%...

Bên cạnh các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, thì nhiều mặt hàng có dấu hiệu suy giảm từ đầu năm như sắt thép các loại giảm 61,1%, các sản phẩm từ sắt thép giảm 56,5%, dầu thô giảm 39,4%, thuỷ sản giảm 31,3%...

Nhập khẩu của Việt Nam từ Australia

Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Australia tăng mạnh gồm sắt thép các loại tăng đột biến, tăng 575,9%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 206,7%, chất dẻo nguyên liệu tăng 175,1%, sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 127,6%, than đá tăng 127%... Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (trừ sản phẩm sữa), các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho tiêu dùng đa số giảm, đặc biệt mặt hàng rau quả giảm 92,5% do Việt Nam cấm nhập khẩu hoa quả từ Australia do lo ngại bệnh dịch.

Xuất khẩu cá ngừ sang Australia tăng mạnh trong năm 2014

Theo Vasep, năm 2014, Australia nhập khẩu cá ngừ từ 29 nước trên thế giới với 250 triệu USD, giảm 7% so với năm 2013. Thái Lan là nước cung cấp cá ngừ lớn nhất cho Australia, chiếm 86,2% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của thị trường này năm 2014.

Cá ngừ hộp là sản phẩm nhập khẩu chính của Australia, chiếm 97,8% tổng nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ vào thị trường này.

Việt Nam đứng thứ ba về giá trị và thứ tư về khối lượng trong top các nước cung cấp cá ngừ hàng đầu cho Australia. Tuy đứng thứ 3 nhưng tỷ trọng cá ngừ Việt Nam trong tổng nhập khẩu cá ngừ của Australia chỉ chiếm 1%.

Năm 2014, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Australia đạt 2,6 triệu USD, tăng mạnh 322% so với năm 2013. Hai tháng đầu năm 2015, Australia nhập khẩu 148,500 USD cá ngừ từ Việt Nam, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2014.

Giá xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Australia đạt 6.613 USD/tấn trong khi các đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Indonesia có giá thấp hơn lần lượt là 4.975 USD/tấn và 5.496 USD/tấn. Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh về giá với các nước đối thủ.

Australia cũng là một nước khai thác và xuất khẩu cá ngừ đi các thị trường với sản phẩm xuất khẩu chính là cá ngừ đông lạnh. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu cá ngừ chính của Australia.

Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu cá ngừ sang Australia nhờ lợi thế về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, nhu cầu thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng của thị trường đang ngày càng tăng.

Australia là thị trường nhập khẩu thủy sản tiềm năng bởi hàng năm nước này phải nhập khẩu 70% lượng thủy sản cho tiêu dùng nội địa. Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tăng từ 10kg/năm vào những năm 1990 lên khoảng 25kg/năm hiện nay. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bình quân này vẫn còn thiếu 40% so với khuyến cáo của các tổ chức về sức khoẻ của nước này. Trong 10 năm tới, thị trường này có thể nhập khẩu thêm 1 triệu tấn thủy sản mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tóm tắt các điểm chính trong thương mại của Australia trong năm 2013-2014

Trong năm 2013-2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Australia tăng 9,5% đạt mức 331,2 tỷ AUD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng trong năm 2013-2014, bao gồm hàng nông sản, khoáng sản và nhiên liệu, hàng chế tạo và dịch vụ.

Khối lượng xuất khẩu tăng 5,8%, trong đó khoáng sản và nhiên liệu tăng 10,7%, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ trong vòng 10 năm qua.

Sự gia tăng khối lượng xuất khẩu cho thấy sự bùng nổ nguồn nguyên liệu trong giai đoạn chuyển đổi từ đầu tư sang sản xuất của một số dự án được phát triển trong những năm gần đây bắt đầu đi vào hoạt động. Trong năm 2013-2014, khối lượng quặng sắt và than tăng cao hơn là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu.

Trong năm 2013-2014, xuất khẩu khí ga tự nhiên đã vươn lên đứng vị trí thứ ba (trị giá xuất khẩu 16,3 tỷ AUD), chỉ đứng sau quặng sắt (74,7 tỷ AUD), và than (40 tỷ).

Trung Quốc tiếp tục duy trì ở vị trí bạn hàng thương mại lớn nhất của Australia, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 159,7 tỷ, chiếm 23,9% tổng thương mại của Australia. Nhật Bản (72,2 tỷ) và Hoa Kỳ (58,2 tỷ) chiếm tương ứng 10,8% và 8,7% tổng thương mại của Australia.

Báo cáo thực phẩm nhập khẩu vi phạm tháng 3/2015

Trong tháng 3/2015, Việt Nam có 5/17 trường hợp vi phạm khi nhập khẩu hàng thực phẩm vào Australia.

Kiểm tra nguy cơ từ thực phẩm nhập khẩu:

Trong tháng 3/2015, Bộ Nông nghiệp Australia kiểm soát và xác định những lô hàng thực phẩm dưới đây có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng. Những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Australia, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Australia. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định. Việt Nam có 1/4 trường hợp vi phạm trong tháng 3/2015.

Chi tiết bản tin xem tại đây:
https://dl.dropboxusercontent.com/u/5541112/newsletter/1504v/newsletter.html

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)/ Thương vụ Việt Nam tại Australia

 

Nguồn: Internet