Trên thị trường thế giới, giá một số mặt hàng thủy sản tại thị trường Mỹ trong tuần vừa qua tương đối ổn định với sản phẩm như cá vược, cá nục, vẹm, bạch tuộc, mực, tôm.

Trong khi đó, do yên Nhật suy yếu đã đẩy giá thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài tại thị trường này tăng lên. Theo số liệu thống kê chi tiêu hộ gia đình ở Nhật Bản, khối lượng mua bạch tuộc hàng tháng cho mỗi hộ gia đình (ít nhất là hai người) tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước lên 63g trong tháng 6 và 15,4% lên 75g vào tháng 7, bù đắp cho mức tăng trưởng âm trước đó. Nhật Bản đã nhập khẩu tổng cộng 25.970 tấn bạch tuộc đông lạnh từ Marocco và Mauritania trong tám tháng đầu năm nay, tăng 53% so với cùng kỳ. Nguồn cung từ Marocco tăng 49% lên 16.200 tấn và từ Mauritania tăng 60% lên 9.800 tấn.

Ở thị trường trong nước, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tuần này tiếp tục ổn định so với tuần trước. Tại Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu trong loại 650-850 gr/con trong tuần này ổn định ở 19.500-20.000 đ/kg (trả chậm). Tại An Giang, giá cá tra nguyên liệu loại 650-700 gr/con ổn định ở mức (19.000-19.800 đồng/kg (trả chậm). Tại Đồng Tháp, giá cá tra thương phẩm có trọng lượng bình quân 700 - 800g/con vẫn ổn định ở mức 19.500- 20.000 đồng/kg  (trả chậm).  Giá cá tra giống (kích cỡ 28 - 32 con/kg)  dao động với mức giá 680-700 đồng/con.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VNPA), tính đến ngày 10/10/2015, tổng khối lượng đăng ký xuất khẩu của các doanh nghiệp lũy kế là 764.839 tấn sản phẩm cá tra các loại. Tổng diện tích đăng ký nuôi cá tra thương phẩm là 2.059 ha, trong đó doanh nghiệp là 1.681 ha chiếm 81,6%, diện tích hộ nuôi đăng ký là 378ha chiếm 18,4%. Tổng sản lượng thu hoạch dự kiến là 1.070.678 tấn, trong đó doanh nghiệp vào khoảng 931.494 tấn chiếm 87% và hộ nuôi là 139.184 tấn chiếm khoảng 13%. Tổng sản lượng đã đăng ký xuất khẩu là 430.323 tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu sử dụng Giấy đăng ký nuôi của doanh nghiệp là 393.631 tấn (chiếm 91,4%), còn lại là của hộ nuôi với 36.696 tấn (chiếm 8,6%). Tổng sản lượng cá nuôi còn lại sẽ được xuất trong vài tháng tới vào khoảng 409.857 tấn, trong đó doanh nghiệp chiếm 82,7% và hộ nuôi chiếm 17,3%.

Cũng theo VNPA, khối lượng hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra trong hai quý cuối năm tăng mạnh so với hai quý đầu năm. Dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 1,7 tỷ USD, giảm khoảng 3,5% so với năm 2014 do chịu tác động của tỷ giá.

Về thị trường tiêu thụ, kim ngạch cá tra xuất khẩu suy giảm ở Mỹ, EU, các nước ASEAN, Mexico, Brazil, nhưng bù lại nhiều thị trường mới có sự tăng trưởng khá, đặc biệt thị trường Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng gần gấp đôi.

Theo dự báo của VNPA, trong năm 2015, sản lượng cá tra thu hoạch đạt khoảng 1 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với năm 2014, tương ứng với diện tích thu hoạch đạt 3.500 héc ta, giảm 8% so với năm 2014.

Giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tuần này biến động so với tuần trước. Tại Sóc Trăng, giá tôm thẻ nguyên liệu biến động tăng 1.000-5.000 đ/kg so với cuối tuần trước, trong khi giá tôm sú ổn định. Cụ thể, tồm thẻ loại 40 con/kg giá 115.000 đ/kg (+5.000 đ/kg), 60 con/kg giá 98.000 đ/kg (+3.000 đ/kg), loại 80 con/kg giá 83.000 đ/kg (+3.000 đ/kg), loại 100 con/kg giá 76.000 đ/kg (+1.000 đ/kg). Giá tôm sú nguyên liệu các cỡ 20, 30 và 40 con/kg cũng ổn định lần lượt ở mức 235.000 đ/kg, 165.000 đ/kg, 120.000 đ/kg.

Tại Cà Mau, giá tôm sú nguyên liệu tuần này giảm, trong khi tôm chân trắng nhích nhẹ. Cụ thể, tôm cỡ 20 con/kg hiện có giá 250.000 đ/kg, 30 con/kg giá 170.000 đ/kg; cỡ 40 con/kg giá 140.000  đ/kg. Giá tôm thẻ cỡ 40 con/kg  hiện ở mức 115.000  đ/kg, cỡ 60 con/kg  giá 100.000 đ/kg; giá tôm thẻ cỡ 80 con/kg ở mức 89.000 đ/kg và cỡ 100 con/kg giá 78.000 đ/kg.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong quý III, các biện pháp đẩy mạnh sản xuất tôm nước lợ đã có chuyển biến tích cực với xu thế tăng tôm sú, giảm tôm chân trắng. Diện tích nuôi tôm nước lợ ước lũy kế 9 tháng đạt 685 nghìn ha, trong đó, diện tích tôm sú là 613 nghìn ha, tăng 3,4%, tôm thẻ chân trắng là 72 nghìn ha, giảm 23,5%. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn như giá tôm nguyên liệu giảm thấp, giá điện tăng, giá các nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng, đặc biệt là giá thức ăn tăng, cộng thêm thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp… Do đó, tình hình thả nuôi tôm nước lợ chậm hơn so với cùng kỳ.
Theo Bộ NNPTNT

Nguồn: Bộ NNPTNT