Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành và Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra các hoạt động kinh doanh xăng dầu phát hiện và xử lý 22 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 243 triệu đồng đối với 8 cửa hàng, 16 cột bơm xăng dầu chủ cửa hàng tự ý gắn chíp điện tử làm sai lệch kết quả đo lường và 8 cửa hàng sử dụng các phương tiện đo sai khác gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý, dự báo thị trường và đấu tranh chống buôn lậu, GLTM cho thấy, cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, tình hình buôn lậu, GLTM, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, gom hàng trên một số tuyến, địa bàn trong tỉnh tuy không lớn về quy mô và công khai như trước đây song vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài những mặt hàng nhập lậu thường xuyên có sự chênh lệch về giá và thuế suất cao như hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng xe máy, xe đạp, đồ chơi trẻ em, rượu ngoại, quần áo may sẵn... đã xuất hiện một số mặt hàng lậu mới như phôi thép, hàng phế liệu, thẻ Internet và một số mặt hàng khác được vận chuyển trái phép qua các tuyến biên giới, đường biển và đường hàng không. Tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng phế liệu, hàng đã qua sử dụng, hàng lương thực, thực phẩm, củ, quả không rõ nguồn gốc vào địa bàn các xã Tề Lỗ, Đồng Văn (Yên Lạc), Bình Dương, Thổ Tang (Vĩnh Tường) vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi rất khó kiểm soát.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước nhiều cơn “bão giá” và góp phần kiềm chế tăng giá thị trường trong tỉnh, Ban chỉ đạo 127 của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã được kiện toàn theo tinh thần quyết định ngày 14-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg ngày 27-1-8-2001 về chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đồng thời tập trung triển khai kế hoạch số 3897/KH-BCT của Bộ Công thương về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường góp phần ổn định thị trường và kiềm chế lạm phát. Chủ động theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả hàng hoá, tình hình cung, cầu lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với 10 mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật tư phân bón, thuốc tân dược, sắt thép, xi măng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình khó khăn để đầu cơ, ép giá, găm hàng gây mất ổn định thị trường; kiểm soát hành vi đầu cơ, mua vét, dự trữ hàng hoá quá mức, kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm, công tác đo lường, chất lượng hàng hoá, ghi nhãn... nhất là đối với các thủ đoạn gian lận về giá, lợi dụng đo lường gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, GLTM, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với tất cả các nhóm hàng, ngành hàng nhất là các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát. Vấn đề đặt ra đối với các ngành chức năng, lực lượng QLTT, các địa phương và mỗi cán bộ, công chức Ban chỉ đạo 127 các cấp cần phối hợp đồng bộ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm, nâng cao chất lượng các hoạt động QLTT vì quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

TTXTTM Vĩnh Phúc

Nguồn: Vinanet