Từ ngày 1/4 vừa qua, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước đã thống nhất cam kết giảm giá thịt lợn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg, nhằm hạ giá bán thịt lợn đến tay người tiêu dùng theo đúng tin thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, trong những ngày qua, giá bán thịt lợn trên thị trường vẫn còn khá cao, đặc biệt là tại các chợ dân sinh.
Nguồn cung lợn thịt vẫn thiếu rất lớn
Thông tin khảo sát giá lợn hơi trên cả nước cập nhật đến ngày 3/4 cho thấy đã có xu hướng giảm. Cụ thể, tại miền Bắc, giá dao động từ 76.000 - 80.000 đồng/kg; miền Trung từ 73.000 - 76.000 đồng/kg và miền Nam từ 70.000 - 79.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại Hà Nội ngày 3/4 vẫn ở mức 78.000 đồng/kg; Vĩnh Phúc 78.000 đồng/kg; Hưng Yên 80.000 đồng/kg, Hà Nam 76.000 đồng/kg; Đồng Nai 79.000 đồng/kg; TP HCM 79.000 đồng/kg; Bình Dương 75.000 đồng/kg; Cần Thơ 78.000 đồng/kg; Vĩnh Long 76.000 đồng/kg…
Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, các tiểu thương cho biết, giá thịt lợn có giảm nhưng không nhiều vì hiện nay hầu hết các tiểu thương đều không tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn trực tiếp, mà thường lấy qua các cơ sở chế biến lợn thịt số lượng lớn. Khi giá thịt từ các cơ sở vẫn còn cao thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng chưa thể giảm nhanh như dự kiến.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất khiến giá thịt lợn vẫn ở mức cao là do nguồn cung thịt lợn trong nước còn thiếu rất lớn so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến. Tổng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường trong Quý I/2020 ước đạt 811.000 tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, việc nhập khẩu thịt để bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt của sản xuất trong nước chưa bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch sẽ thực hiện nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong Quý I, nhưng đến 27/3 mới chỉ thực hiện nhập khẩu được hơn 39.000 tấn.
“Hiện mới có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước”, ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, một số thương nhân mua lợn thịt của công ty chăn nuôi lớn cho biết, bên cạnh giá mua 70.000 đồng/kg lợn hơi, người mua phải trả thêm chi phí ngoài hóa đơn khoảng 10% (7.000-8.000 đồng/kg) cũng góp phần khiến giá lợn hơi trên thị trường còn ở mức cao.
Ngoài ra, giá lợn thịt còn chưa giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng người bán giảm, vận chuyển khó khăn lại có lượng người mua tích trữ lớn khiến giá lợn thị sẽ tăng cao cục bộ ở một vài thời điểm, nhưng nhìn chung đã giảm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg lợn thịt.
100kg lợn hơi chỉ thu được 55kg thịt lợn
Người tiêu dùng những ngày qua đều có chung thắc mắc, đó là khi giá lợn hơi giảm thì giá lợn thịt phải giảm theo. Nhưng thực tế giá lợn thịt không giảm nhiều khiến nảy sinh nghi ngờ có việc đẩy giá ở các khâu trung gian từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thừa nhận, từ sản xuất đến tiêu dùng ở hầu hết hệ thống phân phối đều tồn tại khâu trung gian. Tuy nhiên, mặt hàng thịt lợn ở khâu trung gian có phần phức tạp hơn vì phải cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ở Việt Nam tồn tại hệ thống lò giết mổ nhỏ lẻ, phân tán để cung cấp lợn thịt cho các chợ dân sinh, nên giá thịt lợn sẽ tăng dần theo 2 đường chính gồm: Chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ.
“Qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương. Theo cách tính này, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng/kg”, ông Tuấn phân tích.
Đặc biệt theo ông Tuấn, do thịt lợn qua quá trình chế biến từ 100 kg lợn hơi chỉ thu được 55 kg thịt lợn ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Do đó, với giá lợn hơi 70.000 đồng/kg, sau khi giết mổ thì chi phí 1 kg thịt lợn thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ thành 127.000 đồng/kg (không bao gồm chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng).
“Như vậy, giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện nay theo đúng theo cơ chế thị trường, không phải do khâu trung gian đẩy giá lên cao”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Để tiếp tục hạ thấp giá thịt lợn thời gian tới, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần phải đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu thông qua thực hiện song song tái đàn theo hướng bền vững và nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm. Các doanh nghiệp chăn nuôi cần tiếp tục giảm giá bán lợn hơi và tăng số lượng bán ra thị trường, vì với mức giá thành sản xuất như hiện nay thì giá bán lợn hơi 70.000 đồng/kg vẫn là quá cao.
Mặt khác, để giảm tối đa khâu trung gian cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung, đồng thời phải nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt lợn. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; hạn chế tối đa việc thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới.

Nguồn: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN