Trước đó, ngày 8/6/2020 PITC đã mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo để nhập khẩu vào tháng 7 và 8/2020, thu hút sự tham gia của đại diện đến từ các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Ấn Độ. Kết quả bỏ thầu có các đại diện của Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ trúng thầu, Thái Lan không trúng vì giá quá cao. Tuy nhiên, sau phiên đấu thầu đó, PITC ra thông báo: Mới chỉ có xếp hạng nhà thầu của phiên đấu giá này, còn công bố kết quả thầu phải chờ việc giải ngân ngân sách; hợp đồng nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào ngân sách từ Chính phủ Philippines; và việc dự thầu này chưa cấu thành cam kết nhập khẩu của PITC cũng như chưa xác nhận hợp đồng cho các bên dự thầu.
Theo Reuters, Ấn Độ có thể mở rộng diện tích gieo trồng, trong niên vụ 2020/2021, i có thể sản xuất đến 120 triệu tấn gạo, vượt mức kỉ lục 117,97 triệu tấn gạo trong niên vụ 2019-2020. Hồi đầu tháng 6, chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ mua các loại gạo thường của nông dân trong niên vụ mới với mức giá cao hơn 2,9%. Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ, Narendra Singh Tomar, nói rằng chính phủ Ấn Độ sẽ ấn định giá gạo thường mua bổ sung cho các kho dự trữ nhà nước ở mức 1.868 rupee (570 ngàn đồng)/100kg. Ấn Độ đang bước vào vụ gieo trồng lúa mùa hè giữa lúc mùa mưa đang diễn ra thuận lợi khắp các vùng trồng lúa ở miền nam và miền bắc của đất nước.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam tăng lên các mức cao mới trong năm nay nhờ nguồn cung hạn chế. Song sản lượng gạo cao hơn của Ấn Độ trong niên vụ mới có thể ghìm giá gạo trong nước đồng thời giúp gạo xuất khẩu của Ấn Độ cạnh tranh hơn và bù đắp cho nguồn cung thấp hơn từ hai đối thủ ở Đông Nam Á. Sản lượng gạo của Ấn Độ cao hơn trong niên vụ mới có thể buộc các công ty nhà nước phải tăng mua gạo của nông dù các kho dự trự gạo của họ đang đầy ắp.
Sản lượng lúa hè thu của Việt Nam tăng
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, hiện Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ đông xuân, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được hơn 1,7 triệu ha lúa hè thu, bằng 94,4% cùng kì năm trước, trong đó vùng ĐBSCL đạt hơn 1,35 triệu ha, bằng 96,5%.
Đến nay đã có 184.000 ha lúa hè thu sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, bằng 109,8% cùng kì năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020 diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt hơn 3 triệu ha, bằng 96,8% cùng kì năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt gần 1,1 triệu ha, bằng 98,3%; các địa phương phía Nam đạt hơn 1,9 triệu ha, bằng 96%.
Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước tính đạt 65,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kì năm trước. Trong đó các địa phương phía Bắc đạt 62,7 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha chủ yếu do ảnh hưởng của giông lốc kèm mưa đá ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, sâu bệnh gây hại ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Các địa phương phía Nam đạt 67,6 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha. Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân tăng so với cùng kì năm trước: Vĩnh Long tăng 6,1 tạ/ha; Kiên Giang tăng 4,4 tạ/ha; Cà Mau tăng 3,9 tạ/ha; Hậu Giang tăng 3,2 tạ/ha…
Theo Tổng cục Thống kê năng suất lúa tăng khẳng định việc cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, giống lúa mới chất lượng cao cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống.
Sản lượng lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 19,9 triệu tấn, giảm 568.400 tấn so với vụ đông xuân năm 2019 chủ yếu do giảm diện tích gieo trồng. Trong đó, sản lượng lúa đông xuân ở miền Bắc đạt 6,9 triệu tấn, giảm 142.800 tấn (riêng vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 3,3 triệu tấn, giảm 91.900 tấn).
Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân giảm so với cùng kì năm trước là Thanh Hóa giảm 26.800 tấn; Hải Phòng giảm 25.100 tấn; Hưng Yên giảm 15.600 tấn; Thái Bình giảm 14.900 tấn. Sản lượng lúa đông xuân ở miền Nam đạt 13 triệu tấn, giảm 425.600 tấn so với cùng kì năm trước (vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,6 triệu tấn, giảm 300.600 tấn).
 

Nguồn: VITIC