Tại Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ đào lớn nhất thế giới, từ tháng 5 đến đầu tháng 6/2019 giá đào bán buôn bất ngờ tăng rất mạnh, có lúc lên tới 16-18 CNY/kg (khoảng 60.000 đồng Việt Nam). Nguyên nhân bởi không chỉ riêng đào mà giá trái cây các loại tại Trung Quốc thời gian đó đều tăng cao do yếu tố thời tiết và một vài nguyên nhân khác. Riêng đối với đào, là loại quả giá bình dân nên khi giá táo và lê năm nay cao thì người tiêu dùng chuyển sang dùng đào thay thế, đẩy giá đào tăng mạnh. Mùa thu hoạch đào ở Trung Quốc sẽ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10.
Sau giai đoạn bất thường đó, giá dần ổn định trở lại. Vào đầu tháng 6/2019, sau Lễ hội Thuyền rồng, nguồn cung đào ra thị trường tăng mạnh nên giá bắt đầu giảm. Đào mật giá bán buôn trước Lễ hội là 9,5 CNY/kg (khoảng 30.000 đồng), nhưng sau Lễ hội quay đầu giảm, sau kỳ nghỉ còn giảm thêm nữa. Giá bán buôn đào mật gần đây chỉ còn 4,3 CNY/kg (khoảng 15.000 đồng).
Các nhà kinh doanh đào Trung Quốc nhận định, do nguồn cung đang dồi dào nên giá sẽ không thể tăng trở lại. Hơn nữa mùa Hè đến có nhiều mưa nên người trồng đào phải thu hoạch nhanh, bởi trái đào rất dễ giập nát. Chi phí lưu kho đào lại cao nên họ sẽ chọn cách bán ra ngay sau khi thu hoạch. Do đó giá dự báo sẽ còn giảm tiếp.
Giá đào tại Việt Nam có chung diễn biến với giá tại Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, đào Sapa (Lào Cai) gần như không còn bán nữa vì đã hết vụ thu hoạch rộ. Đào Trung Quốc đang được bán rất nhiều với giá bán bán buôn khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg, còn bán lẻ khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg
Trên thế giới, Trung Quốc là nước sản xuất đào lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70%. Diện tích đào có ở khắp nước này, nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực miền Trung. Những nước sản xuất khác là Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập, Chile, Hàn Quốc…
Sản lượng đào toàn cầu hàng năm khoảng trên 20 triệu tấn. Năm 2018, sản lượng đào thế giới đạt 21,2 triệu tấn nhờ được mùa ở Trugn Quốc và EU, mặc dù sụt giảm tại Mỹ.
Sản lượng đào Trung Quốc năm 2018 đạt 14,3 triệu tấn, so với 14 triệu tấn năm 2017; xuất khẩu của nước này (chủ yếu sang Kazakhstan và Việt Nam) đạt khoảng 90.000 tấn, và nhập khẩu đạt 9.000 tấn (chủ yếu đến từ Chile sau khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương).
Năm 2019, sản lượng đào Trung Quốc ước tính giảm xuống 13,5 triệu tấn do thời tiết lạnh giá bất thường ở các tỉnh sản xuất đào chính, trong đó có Sơn Đông và Hà Bắc, gây tổn thất cho đào vụ sớm. Thời tiết lạnh cũng ảnh hưởng tới chất lượng, làm cho kích cỡ quả nhỏ hơn năm trước. Tuy nhiên, ở miền Trung và Nam Trung Quốc, thời tiết tương đối thuận lợi nên được mùa đào. Bên cạnh đó, chính sách cởi mở của Chính phủ nước này trong việc chuyển nhượng đất đã khiến diện tích đào ở khu vực phía Trung và Nam tăng liên tục trong những năm gần đây, nhiều cá nhân cũng như công ty tư nhân tăng cường đầu tư sản xuất đào trên quy mô lớn. Các giống đào có hàm lượng đường cao, đào thịt vàng và đào siêu ngọt trở nên phổ biến. Các nhà nông học cũng đã nghiên cứu để kéo dài thời gian sử dụng của trái đào, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong năm 2019, thị trường Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 11,2 triệu tấn đào, giảm so với năm trước do sản lượng giảm. Nhập khẩu trái lại tăng gấp đôi lên khoảng 20.000 tấn, cao điểm vào khoảng tháng 1-3, đến từ các nước ở phía Nam bán cầu, trong đó có Chile, Australia và Tây Ban Nha. Xuất khẩu cũng sẽ tăng lên 100.000 tấn.
Nguồn: CafeF