Tại miền Bắc giảm trên diện rộng
Giá lợn hơi tại Thái Bình, địa phương giữ giá cao nhất vào hôm qua, nhưng hôm nay giảm nhiều nhất 8.000 đ/kg xuống 82.000 đ/kg; tiếp theo là Thái Nguyên giảm 5.000 đ/kg xuống 82.000 đ/kg. Các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nội giảm 3.000 - 4.000 đ/kg, xuống 82.000 đ/kg; Hưng Yên giảm ít nhất 2.000 đ/kg, còn 84.000 đ/kg; trong khi đó, Yên Bái, Lào Cai trái chiều tăng trở lại 2.000 đ/kg, cùng lên 85.000 đ/kg, đây cũng là giá lợn hơi tại Bắc Giang - mức giá cao nhất của khu vực hôm nay. Nhìn chung, giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay giao dịch 82.000 - 85.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giảm
Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên biến động trái chiều tại một số địa phương. Trong đó, Thanh Hoá, Nghệ An giảm nhiều nhất đến 7.000 đ/kg, xuống còn 80.000 đ/kg; khu vực Quảng Trị, Huế giảm 2.000 đ/kg, giao dịch ở mức 80.000 đ/kg. Trong khi đó, tại khu vực Tây Nguyên, giá lợn hơi của Lâm Đồng tăng nhẹ 1.000 đ/kg, lên mức 82.000 đ/kg, còn Đắk Lắk vẫn ở mức 80.000 đ/kg. Các địa phương còn lại như Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa giá lợn dao động 80.000 - 82.000 đ/kg. Riêng Quảng Nam giữ ổn định 83.000 đ/kg, là mức giá cao nhất hôm nay, trong khi Ninh Thuận thấp nhất là 70.000 đ/kg. Theo đó, ghi nhận giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung phổ biến 72.000 - 83.000 đ/kg.
Tại miền Nam biến động trái chiều
Tại miền Nam giá lợn hơi hôm nay cũng điều chỉnh tăng giảm khác nhau tại các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu từ mức cao nhất vùng 85.000 đ/kg xuống còn 81.000 đ/kg. Cùng mức giảm 4.000 đ/kg là giá lợn tại Vũng Tàu, hiện ở mức 80.000 đ/kg; trong khi đó tại Đồng Nai giá lợn tăng trở lại 2.000 đ/kg lên 82.000 đ/kg. Các địa phương khác như Tây Ninh, TP HCM, Bình Dương,… giá ổn định 78.000 đ/kg; tại miền Tây 80.000 - 85.000 đ/kg. Nhìn chung, giá lợn hơi hôm nay tại các tỉnh thành phía Nam tiếp tục dao động 78.000 - 85.000 đ/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng lợn về chợ trong ngày 16/3/2020 đạt 3.780 con và tình hình buôn bán không mấy thuận lợi.
Nhập khẩu thịt lợn tăng trên 200%
Thông tin từ Vietnambiz.vn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/3/2020, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Canada tăng 29%, Đức trên 19%, Ba Lan 12%, Brazil 12%, Mỹ 5,5%. Bên cạnh đó, thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò nhập khẩu cũng tăng khá. Thịt bò hơn 14.160 tấn, tăng 217% so với cùng kỳ năm 2019; thịt trâu 19.356 tấn, tăng 128%. Thịt trâu nhập khẩu 100% từ Ấn Độ; thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Australia, Mỹ, Liên bang Nga, Canada, Đan Mạch...
Thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu đạt hơn 48.300 tấn; tăng 86% so với cùng kỳ năm 2019. Các sản phẩm này chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Tây Ban Nha... Ngoài ra, nhập khẩu thịt dê, cừu và sản phẩm thịt dê, cừu cũng đạt hơn 72 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Cục Thú y cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, do thời gian tái đàn cần từ 5-7 tháng, nên từ tháng 3/2020 trở đi sản lượng thịt lợn sẽ tăng; trong đó có chỉ đạo chăn nuôi tăng cả trọng lượng lợn và số lượng lợn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, tổng đàn lợn của cả thế giới vào tháng 1/2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm khoảng gần 12% so với năm 2019 (có tổng đàn lợn khoảng 768 triệu con). Cụ thể, Trung Quốc có khoảng 335 triệu con (chiếm khoảng 49%), kế đến là châu Âu 149 triệu con (chiếm 22%) và Mỹ là hơn 77 triệu con (chiếm hơn 11%). Như vậy có thể thấy, tổng đàn lợn trên thế giới giảm mạnh. Chăn nuôi lợn tại Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục vì nhiều lý do; trong đó có dịch tả lợn châu Phi và COVID-19. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 không loại trừ khả năng có tác động lớn đến sản xuất, xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn; trong đó một số nước tạm dừng nhập cảnh để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 nên có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại giữa các nước.

Nguồn: VITIC